Bồ Đào Nha: Bê bối tham nhũng 'phủ bóng' chiến dịch tranh cử
Các đảng phái chính trị tại Bồ Đào Nha vừa chính thức kích hoạt chiến dịch vận động tranh cử 2 tuần trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra. Theo kết quả thăm dò dư luận, đảng Xã hội (PS) cầm quyền và đảng Dân chủ Xã hội (PSD) đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, những lợi thế dành cho PS có phần bị ảnh hưởng bởi bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Thủ tướng Antonio Costa khiến ông phải từ chức từ cuối năm ngoái.
Ứ ng cử viên sáng giá cho vị trí thủ tướng Bồ Đào Nha nhiệm kỳ kế tiếp là Lúis Montenegro, người lãnh đạo PSD từ tháng 5-2022. Ông Lúis Montenegro đã phát động chiến dịch tranh cử ở quận phía Bắc Bragança với sự tin tưởng sẽ giành chiến thắng cho liên minh 3 đảng mà ông thành lập. Hiện các cử tri quan tâm tới cam kết của chính trị gia 51 tuổi này về vấn đề cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giới trẻ.
Theo ông Lúis Montenegro, việc thay đổi khung thuế đối với tầng lớp trung lưu sẽ giúp họ thoát khỏi tình trạng áp lực đang phải gánh chịu hiện nay. Ông cũng có kế hoạch khuyến khích tăng năng suất tại các công ty miễn thuế tương đương với 1 tháng lương cho những người lao động làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi sẽ chỉ phải trả tối đa 15% thuế thu nhập. Đáng chú ý, thuế đối với doanh nghiệp sẽ giảm 2%/năm trong 3 năm tới xuống còn 15% vào năm 2026 từ mức 21% hiện nay. Đề xuất giảm gánh nặng thuế sẽ đi đôi với chính sách cân bằng tài khoản công mà đất nước này đã tuân thủ sau khi suýt vỡ nợ vào năm 2011, và sẽ khơi dậy tăng trưởng kinh tế đang có chiều hướng chậm lại. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, PSD đang giành 33% số phiếu ủng hộ.
Đối thủ chính của ông Lúis Montenegro là lãnh đạo đảng PS Pedro Nuno Santos, 46 tuổi. Được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc kết nối với các đảng cánh tả, song chính trị gia trẻ tuổi này cũng vướng một số tranh cãi từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng. Ông có bất đồng với cựu Thủ tướng Antonio Costa vì công bố địa điểm xây dựng sân bay Lisbon mới mà không có sự đồng ý của người đứng đầu chính phủ. Ông từ chức vào cuối năm 2022 sau vụ bê bối về khoản tiền bồi thường trả cho một quản trị viên sắp rời đi của Hãng hàng không quốc gia TAP. Những ưu tiên của ứng cử viên PS cũng tập trung vào phát triển kinh tế Bồ Đào Nha dựa trên sự kế thừa chính sách tốt đẹp của người tiền nhiệm. Ông muốn đưa đất nước trở thành một nền kinh tế có độ đa dạng cao, có khả năng cung cấp nhiều việc làm hơn, mức lương tốt hơn và trao cơ hội cho những người trẻ. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, PS đang giành được 28% số phiếu ủng hộ.
Theo phân tích của các nhà quan sát, lợi thế đang nghiêng về PSD do uy tín của PS bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra đang tiến hành liên quan tới cựu Thủ tướng Antonio Costa. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015 sau cuộc khủng hoảng nợ và gói cứu trợ quốc tế, ông đã dẫn dắt Bồ Đào Nha vượt qua giai đoạn khó khăn và tiến tới một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giảm thâm hụt ngân sách, giảm gánh nặng nợ, giành được sự khen ngợi ở châu Âu về các chính sách tài chính hợp lý.
Tuy nhiên, cuối năm ngoái, sau khi các công tố viên bắt giữ Chánh Văn phòng Thủ tướng và nêu tên một trong những bộ trưởng hàng đầu trong nội các là nghi phạm chính thức của cuộc điều tra về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến các dự án lithium và hydro, cũng như dự án trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Một số người bị giam giữ trong cuộc điều tra đã trình diện trước Tòa án Lisbon vì bị nghi ngờ phạm tội tham nhũng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Vụ việc đã khiến uy tín của đảng cầm quyền PS bị tổn hại và các cử tri cũng dần mất lòng tin vào các nhân tố cũ, mong muốn tìm kiếm làn gió mới để thay đổi đất nước.
Nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại, với tỷ lệ thăm dò dư luận như hiện nay, không đảng nào có khả năng giành đa số phiếu để đứng ra thành lập chính phủ độc lập. Đáng chú ý, xu hướng ủng hộ của các cử tri dành cho nhà lãnh đạo André Ventura của đảng Chega theo đường lối cực hữu có dấu hiệu tăng mạnh. Đảng này được chú ý từ năm 2019 khi giành được 1,3% số phiếu trong cuộc bầu cử. Chỉ 3 năm sau, tỷ lệ ủng hộ đã tăng lên 7,3% vào năm 2022 và hiện vào khoảng 19%.
Cho dù ứng cử viên nào giành được vị trí thủ tướng nhiệm kỳ mới, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang trải qua hiện nay như: Giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá nhà đất tăng vọt, hơn 50% người lao động kiếm được dưới 1.000 euro/ tháng... Đây là chặng đường không hề dễ dàng đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào.