Bố đẻ bạo hành dã man con gái ở Bắc Ninh: Hành vi tàn nhẫn bất chấp pháp luật
Đã có nhiều đối tượng phải chịu án tù về bạo hành trẻ em, nhưng tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình còn diễn biến phức tạp …
Như VOV.VN đã đưa tin, liên quan vụ bạo hành bé gái 6 tuổi, Cơ quan CSĐT Công an Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Trung Kiên (SN 1974, ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) và Lê Thị Nương (SN 1984, ở thôn Nam Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (bạn gái Kiên).
Trước đó, ngày 5/9, tại khu phố Tân Lập (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Công an tỉnh Bắc Ninh) đã giải cứu thành công bé gái Đặng Ngọc Anh, 6 tuổi bị bố đẻ là Đặng Trung Kiên bạo hành với nhiều thương tích trên người. Đặng Trung Kiên là đối tượng có nhiều tiền án và có quan hệ phức tạp với các đối tượng hoạt động về ma túy.
Phạm 3 tội danh, đối mặt hàng chục năm tù
Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sư JVN, đoàn luật sư Hà Nội, tình trạng bạo lực gia đình thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp với nhiều vụ xảy ra như con ngược đãi, hành hạ cha mẹ, cha mẹ ngược đãi, hành hạ con. Mặc dù Luật phòng chống bao lực gia đình được ban hành từ năm 2007 đã chỉ rõ các hành vi bạo lực gia đình, nghiêm cấm và có quy định xử lý nghiêm khắc đối với hành vi bạo lực gia đình nhưng trên thực tế, số vụ việc bạo lực gia đình vẫn gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của các tệ nạn xã hội khác.
Vụ việc Đặng Trung Kiên có hành vi hành hạ, bạo hành đối với cháu Đặng Ngọc Anh ( 6 tuổi – con gái của Kiên) khiến cháu bị thương tích, đồng thời, Kiên còn có hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng bởi cùng lúc Kiên đã có nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nhiều quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ.
Đối với hành vi hành hạ cháu Đặng Ngọc Anh là con ruột, Đặng Trung Kiên đã xâm phạm quyền được thương yêu, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau giữa những người thân ruột thịt trong gia đình. Với hành vi hành hạ cháu Đặng Ngọc Anh khi cháu mới 06 tuổi, Đặng Trung Kiên có thể đối mặt với khung hình phạt từ 02 năm tù đến 05 năm tù theo quy định tại điểm a, khoản 2 – Điều 185 – Bộ Luật hình sự cho “Tội hành hạ con đẻ” với tình tiết định khung tăng nặng: “ Đối với người dưới 16 tuổi”.
Đối với hành vi Tàng trữ 7,7 gam ma túy các loại và 1007 gam ma túy tổng hợp, Đặng Trung Kiên đã phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 Bộ Luật hình sự. Hình phạt Kiên phải đối mặt từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4 – Điều 249 BLHS).
Đối với hành vi tàng trữ khẩu súng K59 và bảy viên đạn, Đặng Trung Kiên đã có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, hình phạt Kiên có thể phải đối mặt là từ 01 năm tù đến 07 năm tù (khoản 1, Điều 304 BLHS) . Nếu Kiên có hành vi tái phạm nguy hiểm thì có thể bị áp dụng hình phạt từ 05 năm tù đến 12 năm tù (quy định tại điểm h, khoản 2 Điều 304 BLHS).
Với các hành vi phạm tội nêu trên, Đặng Trung Kiên thuộc trường hợp phạm nhiều tội. Vì vậy, khi quyết định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng quy định tại Điều 55 – Bộ Luật Hình sự để “ Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội”. Mức hình phạt cao nhất Đặng Trung Kiên có thể bị áp dụng cho cả 03 tội “Hành hạ con đẻ” (Điều 185); “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” (Điều 304) và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (Điều 249) có thể là tù chung thân “nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân” (điểm c, khoản 1, Điều 55 BLHS).
Đối với hành vi của Lê Thị Lương, là người người tình của Đặng Trung Kiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi có vai trò đồng phạm đối tác với các tội danh nêu trên hay không đồng thời xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.
Ngày càng có nhiều trẻ em hay bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột
Người xưa nói rằng hổ dữ không ăn thịt con. Tuy nhiên thực tế vẫn có những con hổ dữ sẵn sàng biến con mình thành những miếng mồi, do ích kỷ cá nhân, do nhận thức thấp kém hoặc do thái độ bất chấp pháp luật mà bọn chúng sẵn sàng bảo hành, xâm hại đối với những người thân yêu nhất của mình.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng bạo lực trong gia đình nói chung, bạo hành, xâm hại trẻ em nói riêng còn diễn biến phức tạp, trong đó không thể không kể đến những nguyên nhân như: Do đạo đức xã hội xuống cấp, với những đối tượng nghiện ma túy bị ảo giác thì không phân biệt được ai là người thân, ai là kẻ thù. Những đối tượng có lối sống lệch lạc, bệnh hoạn, không phù hợp với đạo đức văn hóa truyền thống, không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì có thể thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại chính người thân của mình.
Ngoài ra, trong những gia đình không có hạnh phúc những mâu thuẫn, bực tức, thủ án khiến họ trút giận vào những đứa trẻ. Một số trường hợp đối tượng hành hạ, bạo hành trẻ em là những đối tượng côn đồ, có biểu hiện bệnh lý thần kinh và những kẻ coi thường, bất chấp pháp luật.
“Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em mà đối tượng bảo hành, xâm hại không ai khác chính là những người thân phải ruột thịt của các em. Đây là một thực tế đang tồn tại hết sức đau lòng bởi vậy các cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá cụ thể về nguyên nhân, điều kiện của những hành vi vi phạm pháp luật này để có những giải pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả”-luật sư Cường nói
Không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong gia đình, những người yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em luôn là những người rất dễ bị tổn thương, dễ bị những đối tượng khác bạo hành, xâm hại nếu trong gia đình có những đối tượng nghiện ma túy, nhận thức pháp luật kém, coi thường pháp luật hoặc có lối sống lệch lạc, bệnh hoạn.
Với những người già, trẻ em sống trong gia đình mà có người thân là người nghiện ma túy, những đối tượng côn đồ, manh động sẵn sàng dùng cơ bắp để giải quyết các mâu thuẫn hoặc những đối tượng có lối sống, suy nghĩ lệch lạc, nhận thức kém, theo luật sư Cường, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, giám sát và những đảm bảo để những người yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em sống trong những gia đình đó được an toàn. Cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời nếu như những người yếu thế trong gia đình đó gặp nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra tại thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũng là một trong những trường hợp như trên. Vụ việc này được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ em đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và cũng sẽ là bài học răn đe cho các đối tượng coi thường tính mạng sức khỏe của trẻ em, coi thường, bất chấp pháp luật./.