Bỏ đếm ngược đèn giao thông, nên hay không?
Theo các chuyên gia giao thông, việc bỏ hay giữ đếm ngược trên đèn tín hiệu chỉ là biện pháp phụ trợ. Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông.
Thí điểm bỏ đếm ngược đèn giao thông
Từ lâu, những chiếc đèn giao thông có đồng hồ đếm ngược đã trở thành phần không thể thiếu tại các nút giao thông (như ngã ba, ngã tư và vòng xoay) ở nước ta. Bộ đếm ngược là phát minh hữu ích giúp cung cấp thời gian chính xác trước khi đèn chuyển sang trạng thái khác, cho phép người tham gia giao thông có thể chủ động hơn trong việc quyết định dừng lại hay tiếp tục di chuyển. Tuy nhiên, bộ đếm ngược cũng có những hạn chế. Ví dụ, có những trường hợp khi còn khoảng 3 - 4 giây đèn xanh, nhiều phương tiện vẫn cố gắng vượt qua, rất dễ xảy ra tai nạn hoặc khi chỉ còn vài giây đèn đỏ, nhiều xe đã bắt đầu di chuyển, thậm chí có hành vi bấm còi để thúc giục các phương tiện phía trước.
Một số quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản và gần đây nhất là Trung Quốc đã bỏ bộ đếm ngược trên đèn giao thông. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore thì chủ yếu dùng bộ đếm cho người đi bộ để họ biết được thời gian an toàn để băng qua đường. Thực tế cho thấy những quốc gia áp dụng hệ thống đèn giao thông không có bộ đếm ngược, đã và đang đạt được hiệu quả tốt. Điều này đã góp phần cải thiện văn hóa giao thông của người dân, giảm thiểu các tình trạng vượt đèn đỏ trong vòng 2 - 3 giây và nâng cao ý thức chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, TP HCM đã thí điểm bỏ bộ đếm ngược trên đèn giao thông tại một số nút giao. Ban đầu, Sở Giao thông vận tải TP HCM triển khai thí điểm tạm ngưng hoạt động của đèn số đếm ngược tại 4 giao lộ ở quận 3 (các giao lộ Nguyễn Đình Chiểu với Cách Mạng Tháng Tám, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan) và giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (TP Thủ Đức). Ở lần điều chỉnh thứ hai, pha đèn xanh và đèn vàng đã hiển thị số giây còn lại, chỉ riêng pha đèn đỏ đang tiếp tục thí điểm bỏ bộ đếm ngược.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải, việc bỏ đếm ngược trên đèn giao thông ở các giao lộ hiện nay là một trong những giải pháp hỗ trợ, linh hoạt tổ chức giao thông theo thực tế. Điều này giúp theo dõi hành vi và tạo thói quen cho người tham gia giao thông chấp hành đèn tín hiệu. Đồng thời làm cơ sở để đánh giá phương thức tổ chức hệ thống đèn giao thông phù hợp tại giao lộ. Từ đó bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân
TP HCM không phải là địa phương duy nhất thử nghiệm việc loại bỏ đèn giao thông có đồng hồ đếm ngược. Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, Hà Nội thí điểm việc loại bỏ đếm ngược đèn giao thông tại các nút giao Võ Chí Công - Xuân La và Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn, nhằm áp dụng hệ thống đèn giao thông thông minh điều chỉnh theo tình hình giao thông thực tế. Việc thí điểm này cũng gây ra nhiều tranh luận cho người tham gia giao thông vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tháng, khi chưa có đánh giá kết quả cụ thể, hệ thống đèn cũ đã lại phải khôi phục.
Điều đó cho thấy việc áp dụng phương án mới, công nghệ mới trong quản lý giao thông không hề dễ dàng. Đặc biệt cần phải xem phương án đó có phù hợp với bối cảnh giao thông ở nước ta hay không. Tại Việt Nam, với tỷ lệ người dân di chuyển bằng xe máy rất cao, việc dừng đèn đỏ lâu dưới thời tiết nắng nóng gay gắt mà không biết bao giờ được đi có thể gây cảm giác sốt ruột. Vì thế, dù không có đồng hồ đếm ngược, nhiều người dân vẫn cố vượt đèn khi vội vã.
Có thể thấy, việc bỏ đếm ngược đèn giao thông hay bỏ đếm lùi đèn đỏ, vẫn giữ trên đèn xanh, đèn vàng chưa phải là vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Hiệu quả của việc bỏ đếm ngược đèn giao thông có mối liên hệ chặt chẽ với ý thức của người tham gia giao thông. Nếu ý thức kém, dù đèn giao thông có hiển thị giây hay không, họ vẫn có thể vi phạm luật giao thông.
Theo các chuyên gia giao thông, việc bỏ hay giữ đếm ngược trên đèn tín hiệu chỉ là biện pháp phụ trợ. Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Các giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, giáo dục và xử phạt nghiêm vi phạm cần được chú trọng để bảo đảm an toàn giao thông. Mỗi giải pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, cần lựa chọn giải pháp nào mang lại nhiều ưu điểm hơn và phù hợp với xu hướng phát triển giao thông tại nước ta.
Việc thí điểm bỏ đếm ngược đèn giao thông ngay lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận, không chỉ giữa người dân mà ngay cả các chuyên gia giao thông. Liên quan vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia nhận định việc bỏ đồng hồ đếm ngược trên đèn giao thông ở TP HCM là đúng đắn và phù hợp. Việc làm này giúp có cái nhìn tổng thể để thấy áp dụng đồng hồ đếm ngược hiện nay có những mặt tích cực và tiêu cực gì để điều chỉnh cho phù hợp. “Nếu bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu giao thông “đỏ - xanh - vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn”, TS Khương Kim Tạo cho biết.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-dem-nguoc-den-giao-thong-nen-hay-khong-post520441.html