Bộ đôi Biden - Trump 'song kiếm hợp bích' thúc đẩy thỏa thuận Dải Gaza

Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump gạt bỏ bất đồng và bắt tay nhau hoàn thiện thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hamas do Mỹ làm trung gian.

Theo New York Times, thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza công bố hôm 15/1 một phần đạt được thông qua sự hợp tác giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc Donald Trump. Hai người đã tạm thời gác lại những căng thẳng để đạt được mục tiêu chung.

Hai nhà lãnh đạo chỉ đạo các cố vấn cùng thúc đẩy Israel và Hamas đồng thuận với lệnh chấm dứt giao tranh tàn phá Dải Gaza và trả tự do cho các con tin bị giam giữ suốt 15 tháng. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1, một ngày trước khi Nhà Trắng đổi chủ.

Mỗi tổng thống đều có lợi khi giải quyết được vấn đề này trước ngày nhậm chức 20/1. Với ông Biden, thỏa thuận này - nếu được duy trì - sẽ là thành tựu cuối cùng trong nhiệm kỳ, khi kết thúc giao tranh đẫm máu và giải thoát các con tin Mỹ lẫn Israel. Trong khi đó, với ông Trump, thỏa thuận này - ít nhất là trong tương lai gần - sẽ cho phép ông tập trung vào nhiều ưu tiên khác trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ 2.

Diễn biến này đi ngược lại bản chất tự nhiên của nền chính trị Mỹ, khi tổng thống thuộc các đảng đối lập hiếm khi bắt tay nhau trong quá trình chuyển giao, ngay cả khi đối mặt với khủng hoảng lớn. Tuy nhiên, dường như mọi thứ đã nhanh chóng trở về quỹ đạo thông thường, khi cả hai bên đều đang “tranh nhau” nhận công.

Công lao thuộc về ai?

Tại Nhà Trắng, một phóng viên không ngần ngại hỏi thẳng sau khi ông Biden vừa trình bày một thành tựu đối ngoại lớn lao: “Ông nghĩ ai xứng đáng được ghi nhận: Ông hay Donald Trump?”.

“Đùa phải không?”, ông Biden đáp, rồi bỏ đi cùng với Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Trong khi đó, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nhanh chóng lên tiếng: “Thỏa thuận vĩ đại này chỉ xuất hiện nhờ chiến thắng lịch sử của chúng ta vào tháng 11”, ám chỉ tới chiến thắng của ông.

Tuy nhiên, mối quan hệ Biden - Trump, dù ngượng ngùng, trở nên đáng chú ý trong thời đại chính trị Mỹ phân cực sâu sắc.

“Thực sự phi thường”, Mara Rudman - Phó đặc phái viên về hòa bình Trung Đông dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama - nhận định. “Nhà nhà bàn tán đây là công lao của ai, nhưng thực tế cả hai bên đều có công, và một phần khiến (thỏa thuận) thành công vì 2 bên làm việc chung”.

 Ông Biden nói hai nhóm đã cùng nhau làm việc để đạt được thỏa thuận, nhưng không vui vẻ khi được hỏi ai xứng đáng nhận được công lao. Ảnh: New York Times.

Ông Biden nói hai nhóm đã cùng nhau làm việc để đạt được thỏa thuận, nhưng không vui vẻ khi được hỏi ai xứng đáng nhận được công lao. Ảnh: New York Times.

Nhiều nhà ngoại giao, quan chức và nhà phân tích đều cho rằng cả 2 tổng thống cùng đóng vai trò quan trọng. Thỏa thuận được nhất trí mang dáng dấp của những gì ông Biden đề xuất hồi tháng 5/2024 và nhóm do đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Brett H. McGurk dẫn đầu đã làm việc chăm chỉ để những bên liên quan chấp nhận.

Đồng thời, việc ông Trump sắp nắm quyền trở lại đã thay đổi tính toán của các bên. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người hưởng lợi từ sự ủng hộ của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, không thể coi chuyện tổng thống Mỹ mới sẽ đứng sau ông là đương nhiên nếu xung đột kéo dài.

Điều đáng chú ý là ông Netanyahu, có biệt danh là Bibi, đã gọi điện cảm ơn ông Trump sau khi thỏa thuận được công bố, rồi sau đó mới gọi tới ông Biden. Trong một tuyên bố, vị thủ tướng nhấn mạnh sự biết ơn với ông Trump “vì những tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Israel để đảm bảo Gaza sẽ không bao giờ trở thành thiên đường cho khủng bố”. Tới tận đoạn thứ 4, tên ông Biden mới xuất hiện và chỉ trong một câu duy nhất.

Mong muốn thúc đẩy thỏa thuận của ông Trump đã vượt ra ngoài những lời đe dọa công khai và mở rộng sang hỗ trợ mang tính xây dựng. Tổng thống đắc cử đã ủy quyền cho Steve Witkoff, người bạn lâu năm được chọn làm Đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông, làm việc với ông McGurk. Nhóm ông McGurk rất hài lòng và sử dụng sự ủng hộ của ông Witkoff làm đòn bẩy.

“Đây là thỏa thuận của Biden. Dù tôi rất ghét phải nói ra điều này, ông ấy không thể làm được điều đó nếu không có Trump”, cựu Hạ nghị sĩ Tom Malinowski từ đảng Dân chủ viết. “Không phải nhờ những lời đe dọa mang đậm phong cách Trump, mà là nhờ ông Trump thẳng thắn nói với Bibi rằng xung đột phải kết thúc vào ngày 20/1”.

Có một số đảng viên Cộng hòa khen ngợi ông Biden vì nỗ lực xây dựng thỏa thuận cùng chính quyền mới. “Thật tuyệt khi thấy chính quyền Biden và nhóm chuyển giao của Trump chung tay hoàn thành thỏa thuận này”, Thượng nghị sĩ Thom Tillis của North Carolina viết trên mạng xã hội.

Guardian dẫn một nguồn tin cho biết ông Biden đã ngỏ lời hợp tác với ông Trump khi hai người gặp nhau ở Phòng Bầu dục sau bầu cử tổng thống Mỹ.

Những mối quan hệ cá nhân "lúc lên lúc xuống"

Sự thay đổi sắp tới trong giới lãnh đạo Mỹ không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy đàm phán ở Gaza. Tình hình trên thực địa đã thay đổi đáng kể kể từ khi ông Biden lần đầu tiên đưa ra đề xuất ngừng bắn vào tháng 5/2024.

Thời gian qua, Israel đã ám sát nhiều lãnh đạo Hamas, làm điêu đứng Hezbollah và phá hủy các cơ sở quân sự quan trọng ở Iran. Một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian ở Lebanon khiến Hamas không còn mặt trận thứ 2 chống lại Israel, khiến họ càng cô lập. Ngoài ra, sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria thêm một đòn giáng vào Iran cùng các đồng minh.

Tuy nhiên, ngày nhậm chức tổng thống Mỹ tới gần tạo ra một hạn chót khó có thể phớt lờ. Ông Trump ít khi nhắc tới xung đột Dải Gaza trong suốt chiến dịch, song một khi mở lời, ông đều thúc giục Israel kết thúc giao tranh càng sớm càng tốt.

Mối quan hệ giữa ông Trump với ông Netanyahu nở rộ trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên. Ông Trump đã cắt viện trợ cho người Palestine, chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan và chủ trì các cuộc họp ngoại giao giữa Israel và một số nước láng giềng Arab.

Tuy nhiên, mối quan hệ đi xuống trong năm cuối cùng ông Trump tại nhiệm, đỉnh điểm là vị thủ tướng chúc mừng chiến thắng năm 2020 của ông Biden. Suốt những tháng gần đây, ông Netanyahu đang tìm cách hàn gắn với ông Trump.

 Ông Netanyahu đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với ông Trump trong những tháng gần đây. Ảnh: New York Times.

Ông Netanyahu đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với ông Trump trong những tháng gần đây. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân giữa ông Biden và ông Netanyanhu trở nên căng thẳng sau khi xung đột Dải Gaza nổ ra ngày 7/10/2023. Các cố vấn và đồng minh của Biden nghi ngờ ông Netanyahu cố tình trì hoãn thỏa thuận ngừng bắn để trao chiến thắng cho ông Trump.

Ông Biden không nhắc gì tới điều này trong bài phát biểu hôm 15/1. Sau 15 tháng đối mặt với cuộc khủng hoảng Trung Đông, tổng thống sắp mãn nhiệm dường như nhẹ nhõm khi chứng kiến mọi chuyện sắp kết thúc.

"Tôi rất hài lòng khi ngày này đã đến, cuối cùng đã đến, vì lợi ích của người dân Israel và gia đình (các con tin) đang đau khổ chờ đợi cũng như vì lợi ích của người dân vô tội ở Gaza phải chịu sự tàn phá không thể tưởng tượng do xung đột", ông Biden nói.

Ông Biden nhắc đến sự hợp tác với ông Trump, nhưng chỉ thẳng tên người kế nhiệm: “Thỏa thuận này được xây dựng và đàm phán dưới thời chính quyền tôi, nhưng các điều khoản sẽ được thực hiện phần lớn bởi chính quyền tiếp theo. Trong vài ngày qua, chúng tôi đã làm việc như một nhóm”.

Ông Trump không đề cập đến vai trò của người tiền nhiệm. “Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu khi thậm chí chưa vào Nhà Trắng”, ông viết. “Hãy tưởng tượng tất cả điều tuyệt vời sẽ xảy ra khi tôi trở lại Nhà Trắng”.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-doi-biden-trump-song-kiem-hop-bich-thuc-day-thoa-thuan-dai-gaza-post1525294.html