Bộ đội Biên phòng tăng cường cán bộ cho các xã biên giới. Bài 2: Chủ trương đúng, trúng, hiệu quả
Quảng Trị có đường biên giới đất liền dài 187,864 km tiếp giáp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia phải dựa vào sức mạnh của toàn dân; trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt. Để phát huy sức mạnh đó, Bộ đội Biên phòng thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho chính quyền cơ sở ở khu vực biên giới. Mô hình này đã khẳng định được tính sáng tạo, đúng đắn trên thực tế từ khi triển khai đến nay. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã trao đổi với Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá NGÔ XUÂN THƯỜNG.
- Thưa ông! Tháng 10/1998, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã thống nhất với một số tỉnh, thành ủy chủ trương tăng cường cho mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ tham gia cấp ủy và sinh hoạt chi bộ giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở cơ sở. Với tỉnh Quảng Trị, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã triển khai chủ trương này như thế nào?
-Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tham gia thực hiện chương trình phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lựa chọn 19 cán bộ, sĩ quan Bộ đội Biên phòng tăng cường về 19 xã khu vực biên giới và vùng sâu, vùng xa thuộc hai huyện: Hướng Hóa, Đakrông.
Từ những kết quả và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ tăng cường theo Quyết định 135 tại các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Quy định số 06-QĐ/TU ngày 20/10/2003 về tăng cường sĩ quan Bộ đội Biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới. Tháng 4/2007, sau khi có yêu cầu của BTV Huyện ủy Hướng Hóa, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tăng cường 1 sĩ quan cho xã Hướng Lộc, tiếp giáp xã biên giới.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới, năm 2018, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức tổng kết Quy định số 06 và ban hành Quy định số 25-QĐ/TU ngày 26/12/2018 về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của sĩ quan bộ đội biên phòng tăng cường làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới (thay thế Quy định số 06).
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục lựa chọn, giới thiệu 13 cán bộ, sĩ quan tăng cường cho 2 huyện: Hướng Hóa và Đakrông. Đại hội đảng bộ các xã đã bầu những cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy.
-Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ bộ đội biên phòng về các xã biên giới?
- Việc thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ bộ đội biên phòng về các xã biên giới đã cho kết quả rất sức cụ thể. Trên cơ sở các nhiệm vụ theo quy định của Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở các địa phương khu vực biên giới. Các chế độ hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng dần đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo sát với thực tế của địa phương. Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ các cấp được phát huy; các tổ chức đoàn thể hoạt động đúng chức năng. Nhân dân chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để đầu tư sản xuất kinh doanh, từ đó từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bộ mặt nông thôn biên giới không ngừng khởi sắc, đời sống Nhân dân được cải thiện; góp phần ngăn chặn có hiệu quả các mặt tác động xấu từ các nơi khác thâm nhập vào địa bàn biên giới nhất là các tệ nạn xã hội. Đây chính là điểm đột phá nhằm giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ những kết quả đó đã khẳng định việc tăng cường cán bộ, sĩ quan bộ đội biên phòng cho các xã vùng biên giới là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn vướng mắc gì không, thưa ông?
-Các xã khu vực biên giới hầu hết còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Một số tập quán lạc hậu hạn chế sự phát triển vẫn tồn tại. Cùng với đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một số gia đình, cùng với kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ kèm theo sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số cán bộ, sĩ quan bộ đội biên phòng được lựa chọn tăng cường chưa được trang bị về kiến thức, tích lũy về kinh nghiệm đối với hoạt động tại địa phương; chưa thông thạo tiếng địa phương nên còn khó khăn trong nắm bắt, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Trước những khó khăn, vướng mắc đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã từng bước tháo gỡ như thế nào?
- Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với huyện ủy, UBND các huyện: Hướng hóa, Đakrông tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ các xã biên giới nói chung và cán bộ sĩ quan bộ đội biên phòng được tăng cường làm phó bí thư nói riêng. Thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tăng cường; theo dõi kết quả tham mưu thực hiện, đồng thời kiến nghị địa phương có chính sách quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ sĩ quan bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ, yên tâm công tác.
- Từ thực tiễn triển khai và những kết quả đạt được, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã rút ra được kinh nghiệm gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện?
- Kinh nghiệm được rút ra là thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Huyện ủy, UBND các huyện: Hướng Hóa, Đakrông trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cán bộ sĩ quan bộ đội biên phòng tăng cường. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về các mặt công tác như trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; công tác xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, kết quả hoạt động cũng như giải đáp các thắc mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cho các cán bộ, sĩ quan bộ đội biên phòng tăng cường. Các đồn biên phòng có cán bộ tăng cường làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới phải làm tốt công tác phối hợp với đảng ủy các xã biên giới trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ.
- Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này như thế nào?
- Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽtiếp tục làm tốt công tác phối hợp với địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 25 của BTV Tỉnh ủy. Tổ chức đánh giá, lựa chọn các cán bộ, sĩ quan tăng cường cho các xã vùng biên giới đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho những sĩ quan này. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ tăng cường, phù hợp với tình hình địa bàn. Phát huy tối đa năng lực, trình độ của các cán bộ tăng cường trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
- Xin cảm ơn ông!