Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La: Phát huy vai trò nòng cốt, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bám nắm địa bàn, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhiều gian nan trong cuộc chiến chống ma túy

Năm 2022, tỉnh Sơn La có 32 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn không có ma túy; trong khi đó, 84 xã có tệ nạn ma túy; 88 xã trọng điểm về ma túy (trong đó 5 xã loại I, 17 xã loại II, 66 xã loại III). So với năm 2018, giảm 19 xã trọng điểm về ma túy; chuyển hóa 8 xã không có ma túy. Sự chuyển biến tích cực trên có vai trò quan trọng của BĐBP tỉnh Sơn La. Những năm trước, nhắc đến xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhiều người liên tưởng ngay đến địa bàn có điểm nóng về tội phạm ma túy. Theo đồng chí Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, nhất là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập (BĐBP tỉnh Sơn La) nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa đã bị triệt phá; tệ nạn ma túy ở Lóng Sập từng bước được loại bỏ.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La bắt giữ tội phạm ma túy. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La bắt giữ tội phạm ma túy. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Mùa A Dê, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Buốc Pát, xã Lóng Sập cho hay: "Cách đây 16 năm, một số hộ dân người dân tộc Mông sống trong khu vực núi Pha Luông, giáp biên giới Việt-Lào được đưa ra bản Buốc Pát; được chính quyền xây nhà ở, cấp nương rẫy làm ăn, nhưng vẫn không tránh khỏi tệ nạn ma túy. Năm 2019, bản có 18 hộ thì 17 hộ có người nghiện ma túy. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã đến từng nhà động viên đưa người nghiện đi cai; tuyên truyền bà con không sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy; không trồng cây có chứa chất ma túy; hướng dẫn bà con trồng rừng, phát triển kinh tế; tổ chức các lớp xóa mù chữ; cùng các tổ chức xây dựng công trình nước sạch, cung cấp suất ăn miễn phí cho các cháu mầm non... Đến nay, chỉ còn 8 người/6 hộ của bản có người nghiện; hai năm qua không phát sinh thêm người nghiện; 18/18 hộ dân đều có xe máy...

Theo đồng chí Lò Văn Nước, nguyên nhân của tệ nạn ma túy có nhiều, nhưng chủ yếu do vị trí địa lý nhạy cảm và nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, mua chuộc. Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập luôn chủ động nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, xây dựng kế hoạch đấu tranh triệt phá các ổ nhóm, đường dây tội phạm liên quan đến ma túy, bắt giữ các đối tượng cầm đầu; triệt xóa tận gốc các tụ điểm ma túy. Cách đây hơn hai năm, cả 14 bản của xã Lóng Sập đều thuộc diện không bảo đảm an ninh, an toàn do tệ nạn ma túy, nhưng đến nay chỉ còn 3 bản; từ 110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (năm 2020) đã giảm còn 63 người (năm 2023). Đặc biệt, thời gian qua, nhiều bản không phát sinh thêm đối tượng nghiện ma túy.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn quan tâm giúp đồng bào phát triển kinh tế khu vực biên giới Sơn La. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn quan tâm giúp đồng bào phát triển kinh tế khu vực biên giới Sơn La. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Nước vẫn trăn trở, bởi nhiều người sau khi cai nghiện trở về địa phương lại tái nghiện và tham gia vận chuyển, mua bán ma túy. Hiện nay, tỉnh Sơn La có hơn 6.400 người có liên quan đến các chất ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm 0,56% dân số). UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổng rà soát, thống kê và chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên cập nhật số liệu, bảo đảm 100% người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy được theo dõi, áp dụng những biện pháp quản lý theo quy định. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong án phạt và cai nghiện, để giúp họ đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy là vấn đề không đơn giản, bởi đa số đồng bào có trình độ văn hóa thấp, nhiều khó khăn, bất cập trong tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân.

Quyết tâm làm sạch địa bàn

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án "Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Với phương châm "Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt", đề án xác định lộ trình cụ thể, tiến hành từng bước, thận trọng, củng cố xây dựng địa bàn bền vững; làm đến đâu, chắc đến đó; phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị với quan điểm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm", gắn với trách nhiệm, thi đua của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Thực hiện đề án trên, BĐBP tỉnh Sơn La tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp, triển khai thực hiện thống nhất, xây dựng các cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đấu tranh với các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy, không để hình thành điểm nóng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn quan tâm giúp đồng bào phát triển kinh tế khu vực biên giới Sơn La. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn quan tâm giúp đồng bào phát triển kinh tế khu vực biên giới Sơn La. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Với hơn 270km đường biên giới, nằm trên cung đường "Tam giác vàng"-một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới, Sơn La là địa bàn trọng điểm Tây Bắc mà tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay, hoạt động của tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp; nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn vẫn tồn tại; trong cộng đồng vẫn còn nhiều người nghiện ma túy. Mặt khác, địa hình khu vực biên giới hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn trong việc mật phục, cơ động, tuần tra, kiểm soát. Kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới tỉnh Sơn La chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, nhận thức về pháp luật, ý thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của không ít người dân chưa cao.

Thượng tá Trần Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: "Là lực lượng chuyên trách trong công tác phòng, chống ma túy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai những biện pháp nghiệp vụ, tổ chức rà soát, điều tra, xác minh và trinh sát thực địa nắm tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển ma túy, xác định những biện pháp đấu tranh ngăn chặn, nhất là hoạt động vận chuyển ma túy có vũ khí qua biên giới. Đồng thời, đơn vị làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, giúp dân phát triển kinh tế bền vững để từng bước loại trừ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm ma túy.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tuần tra trên biên giới. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tuần tra trên biên giới. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Cùng với đó, BĐBP tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, cùng tham gia thực hiện công tác phòng, chống ma túy, như: Không bao che, tiếp tay cho tội phạm ma túy, không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tích cực tố giác tội phạm ma túy và phát giác người nghi tái nghiện và nghiện ma túy. Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy qua biên giới với lực lượng công an hai tỉnh Huaphanh và Louangphabang (Lào) để chủ động nắm tình hình hoạt động của tội phạm ma túy; tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp triệt phá, bóc gỡ các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy, nhằm đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ xa, làm giảm lượng cung về ma túy ở địa bàn ngoại biên.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bo-doi-bien-phong-tinh-son-la-phat-huy-vai-tro-nong-cot-dau-tranh-hieu-qua-voi-toi-pham-ma-tuy-728249