Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa: Tạo sinh kế cho người dân biên giới

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa kiên trì bám dân, bám bản, áp dụng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế giúp đồng bào các dân tộc khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thông qua thực hiện các mô hình, đời sống của đồng bào được nâng lên, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn biên giới được giữ vững.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân

Năm 2017, gia đình ông Hà Văn Dự (62 tuổi) ở bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng lúc, bạo bệnh cướp đi vợ chồng con trai ông, để lại cho ông bà 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.

Trước hoàn cảnh của ông, Đồn Biên phòng Tam Chung kịp thời động viên, thăm hỏi, giúp tổ chức lại chăn nuôi, canh tác trên khuôn viên 1,5ha đất nông nghiệp của gia đình. Trực tiếp "cầm tay chỉ việc", từ nguồn vốn quỹ tăng gia của đơn vị, đồn hỗ trợ bò giống sinh sản, đàn vịt giống bản địa, huy động ngày công cải tạo vườn rừng, giúp ông Dự đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt. Đồn còn vận động các công ty đang thi công xây dựng trên địa bàn hỗ trợ gia đình ông Dự đào 2 ao nuôi cá có diện tích hơn 500m2.

Đến nay, gia đình ông Dự đã thoát nghèo, có đời sống ổn định. Hằng năm, gia đình ông có thu nhập 70-80 triệu đồng, yên tâm nuôi 2 cháu nội ăn học nên người. Ông Dự xúc động: “Nếu không có sự giúp đỡ của các chú Bộ đội Biên phòng, gia đình tôi không biết sẽ đi về đâu”.

 Mô hình canh tác lúa nước 2 vụ cho năng suất hơn 50 tạ/ha được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả.

Mô hình canh tác lúa nước 2 vụ cho năng suất hơn 50 tạ/ha được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả.

Những năm trước, gia đình anh Thào A Giáng, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, vẫn thiếu ăn mỗi khi giáp hạt, nay gặp chúng tôi, anh phấn khởi cho biết: "Tham gia mô hình trồng sắn, gia đình được Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh hỗ trợ phân bón, cây giống, tư vấn kỹ thuật chăm sóc nên diện tích trồng sắn của gia đình phát triển tốt, cho năng suất cao và không có sâu bệnh. Bình quân mỗi gốc sắn khi thu hoạch đạt trọng lượng khoảng 3kg, có cây đạt tới 5kg. So với việc trồng ngô, lúa thì trồng sắn đỡ công chăm sóc và ít sâu bệnh, giá thành lại cao hơn gấp 2-3 lần. Vì vậy, thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn".

Tại huyện Quan Sơn, các đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo triển khai mô hình canh tác lúa nước 2 vụ cho năng suất hơn 50 tạ/ha, tăng 20 tạ/ha so với canh tác truyền thống tại 3 bản đồng bào dân tộc Mông: Ché Lầu, Mùa Xuân và Xía Nọi; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trồng 60ha lúa nước mùa khô tại 12 bản thuộc huyện Viêng Xay (Lào).

Đồn Biên phòng Tam Thanh ký kết phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quan Sơn và Hội Liên hiệp Phụ nữ hai xã Tam Lư, Tam Thanh tặng bò giống sinh sản. Đồng thời, đơn vị còn duy trì mô hình nuôi lợn đen giống bản địa tại xã Tam Lư...

Theo Đại úy Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Chung: “Nút thắt” thoát nghèo của bà con được BĐBP hóa giải bằng nhiều mô hình. Tùy từng gia đình, từng thổ nhưỡng của mỗi khu vực mà đơn vị triển khai giúp bà con bằng những mô hình sát thực, mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Có thể khẳng định, những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được BĐBP tỉnh Thanh Hóa phối hợp triển khai đã trực tiếp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp người dân các xã vùng biên giới có nguồn thu nhập đáng kể, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Ngoài ra, từ việc hướng dẫn hỗ trợ, giúp đỡ của BĐBP trong quá trình sản xuất, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức về sản xuất hàng hóa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn đóng quân.

Huy động nguồn lực nhân rộng các mô hình

Tính riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về điện, đường, trường, trạm trên địa bàn 5 huyện biên giới với số vốn gần 884 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương, tạo chuyển biến rõ rệt, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới.

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho đồng bào, Thường trực Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất xây dựng điểm mô hình “Bản sáng vùng biên”. Theo đó, mô hình tập trung thực hiện những nội dung như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thôn, bản chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; tham mưu phối hợp với địa phương củng cố cấp ủy, chi bộ, ban quản lý bản và ban công tác Mặt trận ở thôn, bản trong sạch, vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung định hướng chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề, hướng dẫn trồng rừng, phát triển các ngành nghề truyền thống, thế mạnh sản phẩm OCOP trong thôn, bản; mở rộng, bê tông hóa đường giao thông thôn, bản, hệ thống nước sạch, điện chiếu sáng công cộng và các công trình dân sinh có giá trị khác...

Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đến nay, mô hình “Bản sáng vùng biên” đã được triển khai đến tất cả các đồn biên phòng, hướng vào tạo sinh kế để xóa đói, giảm nghèo cho 5.600 hộ khu vực biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với việc huy động mọi nguồn lực, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn địa bàn để triển khai thực hiện.

Theo đó, mỗi đồn biên phòng lựa chọn một mô hình điểm để thực hiện, sau đó nhân rộng trên khu vực biên giới. Để xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, hiệu quả, BĐBP tỉnh Thanh Hóa xác định: Các mô hình tạo sinh kế phải gắn kết chặt chẽ với việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nâng cao ý thức về sản xuất hàng hóa, làm cầu nối để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà bà con làm ra".

Những nỗ lực, sự kiên trì và tận tâm của BĐBP tỉnh Thanh Hóa không những giúp đồng bào các dân tộc vùng biên giới thoát nghèo, mà qua từng mô hình sinh kế, người dân còn thay đổi được tư duy sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Điều này không chỉ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bo-doi-bien-phong-tinh-thanh-hoa-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-bien-gioi-788225