Bộ đội Biên phòng Việt Nam: 'Lũy thép biên phòng nhân dân' nơi biên giới
Qua 65 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã làm tốt công tác xây dựng 'Lũy thép biên phòng nhân dân' nơi biên giới.
Nhìn lại quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Việt Nam (1959 - 2024), không chỉ trong thời chiến, mà ngay cả thời bình và trong quá trình đất nước đổi mới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và làm tốt công tác xây dựng “Lũy thép biên phòng nhân dân” nơi biên giới.
Xây dựng “Lũy thép biên phòng nhân dân” nơi biên giới
Theo Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư Đảng ủy- Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết: Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu trọng yếu, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
“Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao, biên giới, ra biển - đảo lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, vận động quần chúng Nhân dân, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng và “Lũy thép biên phòng nhân dân” nơi biên giới.”- Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong thời kỳ đất nước đổi mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia rất toàn diện, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ cả về chủ trương, đối sách, biện pháp nghiệp vụ và bố trí, sử dụng lực lượng. Qua đó, bên cạnh tham mưu cho Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã báo cáo đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, đối sách và hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP đã đổi mới mạnh mẽ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ vi phạm, vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về biên giới, cửa khẩu, tạo môi trường thông thoáng, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.
Những năm qua, các đơn vị BĐBP đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân ở khu vực biên giới. Qua đó, đã củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng Nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nhiều phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến tiêu biểu, cách làm hay của BĐBP đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trên biên giới.
“Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”; thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc” và hình ảnh các “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”; cán bộ, chiến sỹ BĐBP xả thân trong bão lũ cứu giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt trong đại dịch Covid -19… đã thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của Nhân dân cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.”- Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Toàn dân tham gia bảo vệ biên giới
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân, của tuyến sau hướng về tuyến trước phục vụ nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, từ năm 2020 BĐBP đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Thực hiện nhiệm vụ đó, BĐBP đã tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi trong tham gia bảo vệ biên giới.
‘Ý thức về quốc gia, quốc giới của công dân mà trực tiếp, thường xuyên là cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt. Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành Ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, gắn với thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, với gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự.'- Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký quy chế, chương trình phối hợp với hơn 20 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 44 tỉnh, thành phố biên giới và các đơn vị Quân đội; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết nghĩa, đỡ đầu các cơ quan, đơn vị trên biên giới.
Nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Qua đó, tăng cường đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa lực lượng BĐBP với các lực lượng và nhân dân.
Trong giai đoạn mới, BĐBP đã tham mưu triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng, nổi bật như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; Biên cương thắm tình hữu nghị; tổ chức ký kết nghĩa 188 cặp đồn - trạm; tham mưu với địa phương tổ chức ký kết nghĩa 215 cặp cụm dân cư hai bên biên giới. Góp phần củng cố, tăng cường, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới.
Đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BĐBP đã phối hợp với cấp ủy các địa phương thực hiện hiệu quả Kết luận số 68 của Ban Bí thư, triển khai 688 lượt cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; 229 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường hàng trăm cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu hơn 2.000 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản và phân công hơn 9.000 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, nhiều phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”... đã được BĐBP triển khai thực hiện. Qua đó, tham mưu và cùng địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng biên giới vững mạnh và phát triển.
Theo Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, có thể khẳng định,qua 35 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Đảng, Nhà nước đã tiếp tục quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương, chính sách sát đúng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chung tay, góp sức hướng về biên giới, biển đảo; quần chúng Nhân dân trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới nói riêng đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ biên giới.
“Các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của không chỉ đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, mà còn là ngày hội của Nhân dân cả nước, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.’- Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.