Bộ đôi chiến đấu cơ 'song kiếm hợp bích' của Hải quân Mỹ

Sự kết hợp giữa tính năng tàng hình ưu việt của F-35 và khả năng không chiến vượt trội của F/A-18 tạo nên cặp song sát giúp Hải quân Mỹ thống trị các đại dương trên thế giới.

Tạp chí National Interest cho biết trong tháng 6, Hải quân Mỹ đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá gần 265 triệu USD để nâng cấp gần 600 chiếc tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tác chiến điện tử EA-18G lên tiêu chuẩn block III, bao gồm một số cải tiến được đề xuất cho phiên bản Advanced Super Hornet.

Gói nâng cấp nhằm tăng sức mạnh chiến đấu và kéo dài thời gian sử dụng từ 6.000 lên 9.000 giờ bay. Hải quân Mỹ cho biết lô máy bay nâng cấp đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2019. Lầu Năm Góc dự định duy trì hoạt động phi đội Super Hornet đến năm 2046.

Song kiếm hợp bích

Sebastien Roblin, chuyên gia về giải quyết xung đột, Đại học Georgetown cho rằng gói nâng cấp mới của Super Hornet sẽ không hoàn toàn thay thế vai trò của F-35 nhưng sẽ nâng sức mạnh của phi đội Super Hornet lên một tầm cao mới.

Super Hornet được đánh giá có sức mạnh ngang ngửa với F-15 Eagle của Không quân Mỹ nhưng có tốc độ tối đa chậm và nhẹ hơn, do các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt để hạ cánh trên tàu sân bay. Bên cạnh đó, Super Hornet được trang bị hệ thống điện tử hiện đại kết hợp với khung máy bay độc đáo.

F/A-18 có mặt cắt radar chỉ khoảng 1 m2, thấp nhất trong những chiến đấu cơ thế hệ thứ 4. Dù Super Hornet chưa hẳn là một chiến đấu cơ tàng hình nhưng mặt cắt radar thấp cho phép máy bay tránh bị phát hiện từ xa bằng radar hiện đại.

F-35 (ngoài) và F/A-18F Super Hornet (trong) bay cùng nhau trong một đợt diễn tập. Ảnh: Hải quân Mỹ.

F-35 (ngoài) và F/A-18F Super Hornet (trong) bay cùng nhau trong một đợt diễn tập. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh việc sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 có mặt cắt radar chỉ khoảng 0,001 m2, nên hầu như không thể phát hiện một cách chính xác. Với một chiến đấu cơ tàng hình thực thụ như F-35, phi công Mỹ có thể xâm nhập mạng lưới phòng không đối phương để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng.

Trong các cuộc không chiến mô phỏng ở tập trận Red Flag, F-35 đạt tỷ lệ tiêu diệt 15 trên 1 đối với máy bay chiến đấu thông thường. Tuy nhiên, chương trình F-35 đang đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật, chậm tiến độ và phát sinh chi phí. Kinh phí duy trì hoạt động F-35 dự kiến lên đến 1.500 tỷ USD, đưa nó trở thành chương trình vũ khí đắt nhất lịch sử.

Đặc tính bay của F-35 cũng là vấn đề bị chỉ trích. F-35 còn nhiều vấn đề gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận nó là một trong những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới hiện nay. Hải quân Mỹ đang khắc phục những thiếu sót của F-35 bằng cách sử dụng hỗn hợp 2 phi đội F-35 và 2 phi đội Super Hornet trên mỗi tàu sân bay.

Trong giai đoạn đầu, tỷ lệ là một phi đội F-35 kết hợp với 3 phi đội Super Hornet. Những chiến đấu cơ thế hệ 4 như Super Hornet vẫn dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng không hiện đại. Trong khi F-35 với khả năng tàng hình có thể xâm nhập mạng lưới phòng không đối phương.

Hải quân Mỹ muốn sử dụng F-35 để bí mật tiếp cận khu vực phòng không đối phương để xác định mục tiêu, sau đó truyền thông tin cho Super Hornet phía sau để tấn công bằng tên lửa tầm xa từ một khoảng cách mà khả năng tàng hình yếu của máy bay vẫn hiệu quả.

Super Hornet có gì mới

Gói nâng cấp mới tập trung vào liên kết dữ liệu để Super Hornet có thể kết nối trong thời gian thực với F-35. Bổ sung thêm thùng nhiên liệu đa giác phía trên cánh chính, tương tự phiên bản F-16I của Israel.

Hiện tại, F/A-18 có tầm bay với nhiên liệu nội bộ khoảng 700 km. Điều này buộc tàu sân bay phải di chuyển gần bờ biển hơn để tấn công sâu vào đất liền nên dễ bị đối phương đáp trả.

Hải quân Mỹ sẽ kết hợp 2 Super Hornet với 2 F-35 tạo nên phi đội hỗn hợp độc đáo và mạnh mẽ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ sẽ kết hợp 2 Super Hornet với 2 F-35 tạo nên phi đội hỗn hợp độc đáo và mạnh mẽ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Super Hornet cũng có thể mang theo thùng nhiên liệu phụ trợ để mở rộng tầm bay. Tuy nhiên, điều này khiến mặt cắt radar của máy bay trở nên lớn hơn, hạn chế tải trọng vũ khí. Thùng nhiên liệu đa giác mới sẽ cho phép mở rộng tầm bay lên 1.100 km.

Thay thế động cơ cũ bằng động cơ F414-400 cải tiến cho phép giảm tiêu thụ nhiên liệu xuống từ 3-5%, trong khi lực đẩy tăng thêm 20%. Bổ sung thêm cảm biến tìm kiếm và phát hiện mục tiêu hồng ngoại (IRST) giúp nâng cao khả năng nhận dạng mục tiêu, kể cả mục tiêu tàng hình.

Ngoài ra, phiên bản Super Hornet mới còn được phủ lớp hấp thụ sóng điện từ cho phép giảm hơn nữa mặt cắt radar. Gói nâng cấp mới đưa Super Hornet trở thành một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới.

F-35 tinh vi, Super Hornet mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa F-35 và Super Hornet sẽ đem lại cho Hải quân Mỹ sức mạnh mà không lực lượng hải quân nào trên thế giới đạt được.

Tiêm kích đắt nhất thế giới nhào lộn tại Paris Air Show 2017 Tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ có màn trình diễn ấn tượng tại triển lãm hàng không lớn nhất thế giới dù vừa phải dừng bay vì lỗi hệ thống oxy.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-doi-chien-dau-co-song-kiem-hop-bich-cua-hai-quan-my-post788369.html