'Bộ đội Cụ Hồ' giữa đời thường
Gan dạ, dũng cảm trong thời chiến, xuất ngũ về địa phương, thương binh Lò Văn Sinh, bản Hốn, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu) nay đã 76 tuổi vẫn phát huy truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ', tích cực lao động, sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Cha mẹ mất sớm, nên ba anh em ông Sinh sống cùng chú ruột. Lớn lên, cả ba anh em lần lượt đăng ký nhập ngũ để bảo vệ quê hương. Năm 1964, khi gần 20 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Kháng Lò Văn Sinh tình nguyện tham gia chiến đấu ở mặt trận Bắc Lào.
Hồi tưởng về khoảng thời gian trong quân ngũ, ông Sinh tự hào: Tôi bị thương 3 lần trong chiến đấu, nặng nhất là lần thứ 3 vào năm 1969 bị trúng đạn của địch, tính mạng nguy kịch, phải chuyển gấp từ chiến trường về điều trị tại Viện Quân y 6 tỉnh Sơn La. Trong khoảng thời gian điều trị vết thương thì nghe tin Bác Hồ mất, lúc đó mặc dù sức khỏe tôi còn yếu, nhưng được cấp trên chọn đi cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ về thủ đô Hà Nội đưa tiễn Bác. Đó là vinh dự lớn của cuộc đời tôi, nên tôi luôn tâm niệm sống sao cho xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đến tháng 10/1969, ông được phân công về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thuận Châu và giữ chức vụ Chỉ huy trưởng từ 1985 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1991.
Nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, trải qua biết bao gian nguy, khi trở về cuộc sống đời thường, người lính “Cụ Hồ” Lò Văn Sinh luôn trăn trở, làm cách nào để cuộc sống của gia đình và bà con bản mình thoát nghèo. Bản Hốn có 100% là người dân tộc Kháng, trước đây người dân chỉ chuyên canh tác cây sắn, ngô, vì vậy nghèo đói liên miên.
Nhận thấy bản có tiềm năng về đất đai, ông Sinh quyết định chuyển đổi cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 1991, ông dùng số tiền tiết kiệm của gia đình xuống xã Bon Phặng mua cây cà phê giống về trồng trên diện tích hơn 1 ha đất nương của gia đình. Vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, vụ cà phê đầu của nhà ông được mùa, được giá, thu lãi 2 triệu đồng (giá ở thời điểm năm 1995 tương đương với 2 cây vàng). Tuy nhiên, vụ thứ hai bị sương muối làm cây cà phê chết 90%. Không nản chí, ông tiếp tục mua cây giống về trồng lại từ đầu, đến nay, gia đình ông đã có 5 ha cà phê với sản lượng đạt trên 30 tấn quả tươi/năm.
Là người “mở đường” đưa cây trồng mới vào phát triển kinh tế hiệu quả, hiện thu nhập hằng năm của gia đình ông Sinh đạt trên 400 triệu đồng, là mô hình để 60 hộ dân trong bản, học và làm theo. Ông luôn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, đồng thời tìm đơn vị bao tiêu sản phẩm cà phê cho dân bản. Hiện, với 57 ha, cây cà phê trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Cùng với đó, ông Sinh còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, ông đã vận động người dân trong bản đóng góp mỗi hộ 2,5 triệu đồng để làm 800 m đường nội bản. Ngoài đóng góp tiền làm đường, ông còn ủng hộ bằng cách miễn phí xe chở nguyên vật liệu và san ủi đất cho bà con. Nhờ sự đóng góp công sức của ông và gia đình, con đường bê tông nội bản nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.
Ghi nhận sự cống hiến của ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Sinh được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ quyết thắng và Huy chương chiến đấu trên chiến trường Lào. Ông là “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” cấp tỉnh, là người uy tín dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc được vinh danh tại tỉnh Phú Thọ năm 2012... Gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình hiếu học nhiều năm liên tục.
27 năm khoác trên người bộ quân phục, anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trở về với cuộc sống đời thường người lính Cụ Hồ năm xưa Lò Văn Sinh tiếp tục năng động, sáng tạo, giành nhiều chiến công trên trận tuyến xóa đói, giảm nghèo.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bo-doi-cu-ho-giua-doi-thuong-33191