'Bộ đội Cụ Hồ' trên mặt trận kinh tế

Ông Lương Văn Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh bảo: Đối với 'Bộ đội Cụ Hồ', phát triển kinh tế cũng là một mặt trận, tuy không có khói súng nhưng đầy cam go, thử thách và chỉ nhờ sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm mới có thể chiến thắng.

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12 (1944 - 2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (1989 - 2021)

Người con ưu tú của Quan Hồ Thẩn

Cựu chiến binh (CCB) Ly Xuân Lẩu là người con ưu tú của xã Quan Hồ Thẩn, huyện nghèo Si Ma Cai. Năm 1975, anh tham gia quân ngũ, năm 1981 trở về địa phương và tham gia làm cán bộ chủ chốt của xã Quan Thần Sán (thuộc xã Quan Hồ Thẩn hiện nay). Không chỉ là cán bộ mẫn cán, có nhiều thành tích trong công tác, khi nghỉ chế độ hưu trí, còn sức khỏe và sẵn ý chí của “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Ly Xuân Lẩu đã tập trung phát triển kinh tế.

Các hội viên giỏi trên mặt trận kinh tế nhận khen thưởng của Hội CCB tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Các hội viên giỏi trên mặt trận kinh tế nhận khen thưởng của Hội CCB tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Nhưng huyện nghèo Si Ma Cai điều kiện tự nhiên, khí hậu… không mấy thuận lợi để phát triển kinh tế. Không vì thế mà “bó tay ngắm thời cuộc”, CCB Ly Xuân Lẩu đã tận dụng những gì thấy phù hợp, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp và đã thành công. Ban đầu, CCB Ly Xuân Lẩu nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, khi có cơ hội và nắm bắt nhu cầu thị trường, anh trồng thêm cây dược liệu, trồng mận Tả Van, lê Tai-nung. Nhờ đó, hằng năm, thu nhập của gia đình CCB Ly Xuân Lẩu đạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Số tiền chưa lớn với mô hình kinh tế hộ nhưng ở miền đất khó Si Ma Cai, anh Lẩu vẫn xứng đáng được ngợi khen. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Lẩu còn tích cực tham gia công tác xã hội như giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới...

Chăn nuôi trên vùng “đất khát”

Xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) từ lâu đã nổi danh là “vùng đất khát” bởi thiếu nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, khắc nghiệt về khí hậu nhưng với hội viên CCB Phu Sú Mìn, đó không hoàn toàn là trở ngại. Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Phu Sú Mìn trăn trở tìm hướng làm giàu, việc đầu tiên anh nghĩ tới là trồng rừng và chăn nuôi. Hơn 2 ha đất vườn, đồi được anh chuyển sang trồng quế. Nhưng đó là khối tài sản của tương lai, muốn gây dựng tiềm lực kinh tế, muốn quay vòng nhanh phải chăn nuôi, vậy là anh chọn nuôi lợn đen địa phương làm chủ đạo. Ban đầu thiếu vốn nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao, đổi lại, anh có kinh nghiệm, nâng dần quy mô. Đến nay, CCB Phu Sú Mìn trở thành “điểm sáng” của cả vùng về chăn nuôi giỏi. Hiện anh Mìn duy trì trong chuồng 18 - 20 con lợn nái, 45 - 50 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất chuồng 8 - 10 tấn lợn thịt, 200 lợn giống, cùng với các nguồn thu khác, tổng thu nhập của gia đình không dưới 700 triệu đồng mỗi năm.

Thành công nhưng không “giấu nghề”, hễ có ai hỏi, anh Mìn đều chia sẻ kinh nghiệm của mình, đó là sự chủ động vươn lên, không ngại khó, ngại khổ, không sợ thất bại, không trông chờ, ỷ lại… Trước khi thực hiện mô hình phải tìm hiểu kỹ cây giống, con giống như chiến trận “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng” và thường xuyên đúc kết, học hỏi, trau dồi.

Gà đồi - núi tiền

Nhiều khi không phải học hỏi ở đâu xa, mọi thứ có ở quanh mình, chỉ cần quan tâm, quyết tâm, tận tậm là thành công. Đó là “bí kíp” của hội viên CCB Vũ Văn Thính ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng).

Tạm dừng việc tập trung vào những cây ăn quả và lúa, ngô, khoai, sắn, năm 2014, CCB Thính chuyển sang nuôi 5.000 con gà thả đồi. Sản phẩm có uy tín, thị trường tiêu thụ tốt, hệ số quay vòng cao, ngay năm đầu tiên, ông đã lãi 600 triệu đồng.

Sẵn có 7 ha đồi quế, 3 ha vườn, ông Thính mạnh dạn nâng đàn và duy trì nuôi gối nhau 10 - 15 nghìn con gà đồi, trung bình 4 - 5 tháng lại xuất chuồng 3 tấn gà. Không dừng lại ở đó, năm 2017, ông đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 4 chuồng chăn nuôi lạnh để nuôi 100 con lợn nái sinh sản, 200 con lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với tiền công 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Thính ước tính tổng nguồn thu của gia đình khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí, thu nhập đạt 1,5 tỷ đồng. Trò chuyện với phóng viên, ông Thính bảo: Khi tôi nuôi gà thì nhiều người đã làm như thế rồi. Đừng thấy con gà nhỏ bé mà coi thường, mọi người vẫn nói đùa với tôi rằng gà đồi mà mang lại núi tiền.

Không chỉ làm giàu, ông Thính còn là tấm gương về nuôi dạy con cái, 2 con của ông đều học đại học chính quy ở trường danh tiếng, ra trường đều về nhà cùng bố phát triển kinh tế.

“Kinh tế như trận mạc, phải tận dụng cơ hội”

Đó là cách nghĩ, phương châm của hội viên CCB Nguyễn Thế Hải ở phường Sa Pa (thị xã Sa Pa), Giám đốc Hợp tác xã cá hồi, cá tầm Minh Đức. Hiện nguồn thu mỗi năm của HTX Minh Đức khoảng 20 tỷ đồng, thu nhập đạt 2 tỷ đồng, nhìn con số đó ít ai biết rằng anh Hải đã có những năm rất khó khăn, vất vả. Năm 1992, sau khi rời quân ngũ, anh đã phải đến các thôn, bản vùng sâu, vùng cao bán hàng rong và mở quán tạp hóa. Sau hàng chục năm tích cóp, anh đã xây dược nhà nghỉ tại trung tâm thị trấn với quy mô 20 phòng và chính thức trở lại đô thị tìm hướng làm ăn mới. Khi Sa Pa có việc nuôi thử nghiệm cá nước lạnh, anh Hải nghĩ ngay đây là cơ hội cho mình phát triển. Đến nay, anh làm chủ 30 ao nuôi cá thương phẩm, 15 ao cá giống, 15 bể cá giống, 15 bể ấp trứng và 1 khu chế biến cá. Ngoài 120 vạn cá giống, chế biến, tiêu thụ 100 sản phẩm cá, mỗi năm anh Hải xuất bán ra thị trường 25 - 30 tấn cá thương phẩm.
Tham gia công tác từ thiện, có những năm, anh Hải dành tới 300 suất quà (mỗi suất trị giá 400 - 500 nghìn đồng) hỗ trợ người nghèo vào các dịp lễ, tết...

Không chỉ có các tấm gương như trên, hiện toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, 169 trang trại và hơn 1.000 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ. Trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hội viên CCB luôn là một trong những “mũi giáp công”, luôn “xung trận là chiến thắng”.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350931-bo-doi-cu-ho--tren-mat-tran-kinh-te