Bộ đội, dân quân giúp dân chạy lũ

* Các đơn vị chủ động ứng phó mưa lũ, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 27-9, một số địa phương thuộc địa bàn Quân khu 4 có mưa to, kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về gây lũ lụt, sạt lở. Các đơn vị LLVT trên địa bàn đã tích cực, khẩn trương cùng chính quyền địa phương triển khai phòng, chống mưa lũ, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai...

Tại Nghệ An, mưa lớn làm ngập lụt cục bộ, sạt lở tại các huyện: Thanh Chương, Con Cuông, Đô Lương, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn... Đặc biệt, tại huyện Quỳ Châu, hơn 1.100 hộ dân bất ngờ bị ngập lụt do nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, dâng cao đột ngột gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) có hơn 250 hộ dân bị ngập lụt nặng và bị cô lập do sạt lở hai đầu trên tuyến Quốc lộ 48. Ban CHQS huyện Quỳ Châu đã điều động 30 cán bộ, nhân viên cùng phương tiện túc trực ở các điểm ngập úng, tham gia di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn trong huyện cũng huy động lực lượng dân quân túc trực tại các tuyến đường ngập sâu để cảnh báo, ngăn không cho người dân qua lại, bảo đảm an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quỳ Châu (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) giúp nhân dân di dời tài sản trong mưa lũ. Ảnh: ĐỨC TRƯỜNG

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quỳ Châu (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) giúp nhân dân di dời tài sản trong mưa lũ. Ảnh: ĐỨC TRƯỜNG

Từ lúc 2 giờ ngày 27-9, khi trời mưa to, nhận được thông tin một số hộ dân bị ngập nặng, lực lượng dân quân thị trấn Tân Lạc đã trắng đêm giúp dân bị ngập di dời tài sản. Những hộ bị ngập sâu thì sơ tán đến nhà người thân, hàng xóm có nhà cao tầng để ở tạm, chờ nước rút. Nhà anh Đặng Văn Thắng ở khối 3, thị trấn Tân Lạc bị ngập sâu gần 3m. Gia đình anh lại có mẹ già đang ốm đau dài ngày. Các chiến sĩ dân quân thị trấn Tân Lạc đã nhanh chóng hỗ trợ đưa mẹ anh Thắng đến nhà người thân ở tạm và vận chuyển những tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Đồng chí Tôn Quang Chiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Tân Lạc cùng hơn 50 chiến sĩ dân quân dầm mưa giúp dân chạy lũ từ 2 giờ sáng, đến cuối ngày trở về anh mới biết nhà mình cũng bị ngập. Vợ anh là cán bộ y tế đang trong ca trực, 3 con nhỏ của anh được bà con hàng xóm đưa sang nhà trú ngụ.

Mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn chảy về cuồn cuộn làm ngập nhiều nhà dân trên địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), nhà ông Vi Văn Thuận (bản Tặng Phăn) bị nước cuốn trôi; nhà ông Xồng Bá Giờ (bản Buộc Mú) bị sạt lở. Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã huy động lực lượng giúp các gia đình di dời tài sản và bố trí chỗ ở tạm.

Ở xã Tà Cạ, địa bàn từng xảy ra lũ quét vào tháng 10-2022, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã vận động và yêu cầu người dân ở các vị trí nguy hiểm phải tạm thời sơ tán. Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thông tin nhanh: “Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng dân quân tại chỗ hỗ trợ sơ tán người già, trẻ em và những tài sản có giá trị cao đến nơi an toàn. Đêm 27-9, LLVT huyện trực 100% quân số để nắm bắt tình hình, kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra”.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, có một số tuyến đường, cầu cống bị ngập và một số đoạn trên Quốc lộ 8A đoạn qua địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn bị sạt lở. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã điều động 40 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành phân luồng, cắm biển cảnh báo, trực chốt ở hai đầu điểm sạt lở để bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời tổ chức khắc phục sự cố sạt lở. Đến chiều 27-9, đất đá sạt lở trên tuyến Quốc lộ 8A đã được giải phóng và thông tuyến.

Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ở TP Thanh Hóa bị ngập sâu, đi lại khó khăn. Huyện Như Thanh và huyện Như Xuân bị ngập nhiều diện tích lúa, rau màu, mía và khu nuôi trồng thủy sản; một số đoạn đường bị ngập và sạt lở. Đại tá Vũ Văn Tùng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “LLVT địa phương đã đến các địa bàn bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở để hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực an toàn, tổ chức di dời tài sản; phối hợp cùng các lực lượng hướng dẫn, vận động nhân dân di chuyển khỏi những khu vực nguy hiểm; tổ chức canh trực nghiêm túc để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra”.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tại khu vực Quảng Bình, Quảng Ngãi cũng có mưa to đến rất to, làm tốc mái, hư hỏng 242 ngôi nhà và khiến 1 người chết, 3 người bị thương; gây sạt lở đất đá, ngập cục bộ ở nhiều nơi... Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo LLVT trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả.

Ngày 27-9, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) đã có điện gửi Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong đó nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đề nghị Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các khu vực trọng điểm, khu vực sạt lở, ngập lụt, bị chia cắt, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, giúp đỡ chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chú ý bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia. (HỒNG SÁNG)

HOA LÊ - KHÁNH TRÌNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/bo-doi-dan-quan-giup-dan-chay-lu-744629