Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Kho kiểu mẫu về ứng dụng công nghệ
Đến Kho 708 (Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần), tôi bất ngờ khi thấy những gian nhà kho khang trang, hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới vào công tác quản lý, nhập, xuất hàng hóa.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Kho 708, giới thiệu: Kho 708 là kho chiến lược của ngành quân y, có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, đóng gói, quản lý, bảo quản, dự trữ, cấp phát thuốc, vật tư quân y cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các đơn vị trong toàn quân. Ngoài ra, còn lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế tại các đơn vị; tham mưu giúp chỉ huy Cục Quân y chỉ đạo ngành về nghiệp vụ kho quân y toàn quân.
Trước đây, khâu tiếp nhận, cấp phát hàng hóa của Kho được thực hiện chủ yếu bằng sức người và xe nâng nên tốn nhiều nhân lực, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, cấp phát hàng hóa; việc quản lý thủ công bằng tem, nhãn đầu hòm, hệ thống sổ kho mất nhiều thời gian và khó khăn trong tìm kiếm, truy xuất hàng... Chưa kể, nhà kho cũ chưa có hệ thống tự động kiểm soát, cảnh báo điều kiện môi trường; chưa có khả năng dự báo, cảnh báo hàng tồn, cận hạn... Trước thực trạng đó, Kho 708 được cấp trên đầu tư dự án xây dựng "Nhà kho ứng dụng công nghệ" nhằm tự động hóa quy trình quản lý, xuất, nhập hàng hóa, quy trình bảo quản; trước hết, tập trung đầu tư phân kho thuốc, hóa chất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và phân kho trang thiết bị y tế hướng đến đạt tiêu chuẩn GSP...
Vào tham quan Phòng Điều hành trung tâm, tôi được Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phân kho 1 giới thiệu, đây chính là “bộ não” của Nhà kho ứng dụng công nghệ, bởi tất cả quá trình triển khai lệnh tiếp nhận, cấp phát hàng hóa được thực hiện tại đây. Các hoạt động từ mỗi phân kho đều được cập nhật dữ liệu theo thời gian thực về Phòng Điều hành trung tâm qua hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất. “Từ biên chế 4 nhà kho, nay được tích hợp vào 2 kho; các khâu mở sổ mỗi loại vật tư, nhập dữ liệu tổng hợp báo cáo thống kê, mở kiểm để kiểm tra chất lượng hàng hóa, in, đưa lệnh cấp phát... đều được hệ thống công nghệ thông tin thực hiện, ngồi tại Phòng Điều hành có thể theo dõi được cụ thể, chính xác, toàn diện”, Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn phấn khởi chia sẻ thêm.
Tại Phân kho thuốc, hóa chất (là một trong 2 phân kho ứng dụng công nghệ, hiện đạt tiêu chuẩn GSP của Bộ Y tế), vừa “trình diễn” khâu xuất, nhập hàng bằng robot, Thiếu tá, dược sĩ Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng Phân kho vừa giới thiệu: “Phân kho có diện tích gần 1.300m2, trữ lượng thiết kế hơn 500 tấn hàng, được chia thành các phân khu chức năng riêng biệt. Điều đặc biệt là, tất cả hoạt động chuyên môn tại Phân kho đều được chuẩn hóa và thực hiện thống nhất theo 23 quy trình thao tác chuẩn. Hoạt động nâng hạ, sắp xếp hàng hóa được thực hiện hoàn toàn tự động bởi 2 hệ thống robot và 4 xe tự hành theo lệnh nhập, xuất được truyền xuống từ Phòng Điều hành trung tâm. Từ khi Nhà kho ứng dụng công nghệ đi vào hoạt động, công sức lao động của cán bộ, nhân viên Phân kho giảm được 50% nhưng hiệu quả tăng gấp đôi so với trước".
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Nhà kho ứng dụng công nghệ đi vào hoạt động đã thực sự tạo bước đột phá, khắc phục được hầu hết hạn chế trước đây; trong đó, nổi bật là công tác tiếp nhận, cấp phát hàng hóa đã được tự động hóa tới 80%. Những lợi ích thiết thực đó chính là động lực để cán bộ, nhân viên Kho 708 tiếp tục nỗ lực hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hoàn thành nhanh chóng, chính xác nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị thành “Nhà kho kiểu mẫu” của toàn ngành.
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.