Bộ đôi MANPADS Igla-S và Verba: Bí mật của Nga nhằm đối phó chiến đấu cơ Ukraine
Một quan chức cấp cao trong quân đội Nga cho biết, sự kết hợp giữa các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla-S và Verba đã mang lại hiệu quả cao trên chiến trường, giúp Nga bắn hạ gần 33% số lượng máy bay chiến đấu của Ukraine.
Phát biểu với tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga Krasnaya Zvezda, Tư lệnh Lục quân Nga, ông Oleg Salyukov cho biết: “Trong trường hợp đột ngột xuất hiện các mục tiêu trên không bay tầm thấp, các hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla và Verba đã chứng minh hiệu quả rất tốt, phá hủy gần 1/3 số máy bay có người lái của Lực lượng Vũ trang Ukraine”.
Bên cạnh đó, Tướng Oleg Salyukov cũng nhấn mạnh vai trò của các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn mà ông cho là rất cần thiết để chi viện cho lực lượng mặt đất của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đặc biệt, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300V4, Buk-M2 (M3) và Tor-M2 (M2U) đã cho thấy hiệu quả rất lớn, ông Salyukov lưu ý. Igla-S và Verba là các hệ thống phòng không thế hệ mới được sử dụng để chống lại máy bay cánh cố định và máy bay cánh xoay, phương tiện bay không người lái và tên lửa hành trình. Nó có thể hạ hầu hết mục tiêu trên không với tầm bắn hiệu quả bay từ 500 đến 6.000 m độ cao từ 10m tới 3.500m.
Mối đe dọa của hệ thống phòng không vác vai
MANPADS đóng một vai trò rất quan trọng trên chiến trường. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng các hệ thống này với mức độ lớn nhằm đối phó với máy bay chiến đấu của đối phương.
Đáng chú ý, Ukraine cũng sử dụng hệ thống phòng không vác vai Igla-S có xuất xứ từ Liên Xô. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Kiev cho biết, Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SSO) của nước này đã sử dụng hệ thống Igla-S bắn hạ một chiếc Su-34 của Nga. Một cựu phi công người Nga đã thừa nhận tính hiệu quả của MANPADS trong cuộc phỏng vấn với EurAsian Times: “Nhiều máy bay chiến đấu Su-35, Su-24 và Su-34 của chúng tôi đã bị bắn trúng khi bay ở tầm thấp”.
Kể từ khi xung đột nổ ra từ hồi tháng 2, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống tên lửa phòng không vác vai và đang có kế hoạch chuyển giao thêm loại vũ khí này. Chính phủ Mỹ trước đó đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 1.400 hệ thống phòng không Stinger. Tuy nhiên, MANPADS sẽ trở nên vô dụng nếu không có sự hỗ trợ của các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung hoặc tầm cao. Các hệ thống phòng không này sẽ buộc máy bay đối phương phải bay tầm thấp để tránh né chúng và cuối cùng sẽ trở thành mục tiêu của MANPADS.
Tầm quan trọng của hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao
Theo EurAsian Times, sự xuất hiện của hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa như S-300 hay Buk-11 đã buộc máy bay chiến đấu bay ở độ cao dưới 4.500m, ngay trong tầm bắn của MANPADS. Do đó, Ukraine và Nga cần tên lửa đất đối không tầm cao để làm giảm ưu thế trê không của nhau.
Tướng James Hecker – chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu – châu Phi cho biết: “Rất khó để bắn hạ các hệ thống phòng không S-300 và Buk-M1, ngay cả khi chúng ta sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 hoặc những máy bay tiên tiến hơn”.
Theo ông Hecker, Nga đã không thành công trong nỗ lực phá hủy các hệ thống phòng không của Ukraine ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, Kiev đã đề nghị phương tây cung cấp thêm nhiều tên lửa phòng không hiện đại.
Kho dự trữ tên lửa đất đối không của Ukraine và Nga
Kho dự trữ tên lửa đất đối không của Ukraine dường như đang cạn kiệt. Điều này có thể gây ra vấn đề lớn cho quân đội Ukraine. Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quốc hội Mỹ để mua thêm nhiều hệ thống S-300.
Trang web độc lập Oryx chuyên theo dõi thiệt hại của Nga và Ukraine cho rằng, Ukraine nhiều khả năng đã mất khoảng 24 bệ phóng S-300 và 3 xe phóng Buk-M1 sau hơn 6 tháng giao tranh. Con số thiệt hại trên thực tế có thể cao hơn. Việc mất một lượng lớn các loại vũ khí này sẽ là mối lo ngại lớn đối với chính phủ Ukraine.
Trái lại, Nga có một kho dự trữ khổng lồ tên lửa phòng không S-300 có từ thời Liên Xô và đã triển khai trong chiến đấu tại Ukraine với số lượng lớn. Nhiều báo cáo cho biết, quân đội Nga thậm chí sử dụng S-300 để thực hiện các cuộc tấn công trên mặt đất. Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính, Moscow đang có khoảng 7.000 tên lửa phòng không S-300 và con số này đủ để dùng trong 3 năm tới nếu Nga sử dụng với mức độ hiện tại trên chiến trường Ukraine. Theo đánh giá của các lực lượng vũ trang Ukraine, Nga đã sử dụng hơn 500 tên lửa phòng không S-300 kể từ khi xung đột nổ ra.
Việc sử dụng hệ thống S-300 để thực hiện các cuộc tấn công trên mặt đất đã đặt ra thách thức lớn đối với Ukraine vì các tên lửa của nó rất khó đánh chặn do có tốc độ cao và đường bay tương tự tên lửa đạn đạo. Chưa kể do bệ phóng của chúng thường rất gần mục tiêu nên hệ thống phòng không của Ukraine có rất ít thời gian phản ứng.
Chưa kể, thời gian gần đây, quân đội Nga được cho là sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất để đối phó với hệ thống phòng không của Ukraine. UAV cung cấp cho Nga một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm khi muốn hoạt động tại những khu vực mà máy bay có người lái khó tiếp cận hoặc đối mặt nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, nếu được sử dụng với số lượng lớn, các UAV cảm tử như Shahed-136 do Iran sản xuất có thể áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine./.