Bộ đội phòng không tác chiến với 'giặc lửa'
Lữ đoàn Pháo Phòng không (PPK) 234, Quân đoàn 3 là đơn vị nhiều lần thực hiện nhiệm vụ dập lửa cứu rừng và tài sản của nhân dân, được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
Thực tiễn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng để lại cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn PPK 234 nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, chuẩn bị về con người, vật chất, phương án để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay.
Là người trực tiếp chỉ huy nhiều “trận đánh với giặc lửa”, Thượng tá Doãn Văn Phong, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn PPK 234 đúc kết: "Tác chiến với “giặc lửa” cũng phải nhanh như tác chiến với “giặc lái”. Vì vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn ở tư thế sẵn sàng, tranh thủ “thời gian vàng” để dập tắt đám cháy, cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân".
Thượng tá Doãn Văn Phong nhớ lại, khoảng 11 giờ ngày 12-3-2020, núi Hàm Rồng thuộc phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xảy ra cháy lớn. Thời điểm đó đang mùa khô, gió lớn, rừng thông ở núi Hàm Rồng bắt lửa rất nhanh. Nhận được tín hiệu thông báo, báo động của chiến sĩ trực tại đài quan sát của Lữ đoàn, lực lượng PCCC của đơn vị ngay lập tức có mặt để khống chế, không để đám cháy lan rộng. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động), Bộ CHQS và Cảnh sát PCCC-cứu hộ, cứu nạn (CHCN) tỉnh Gia Lai dập tắt đám cháy. Cũng trong năm 2020, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn PPK 234 đã nhanh chóng sơ tán người và nhiều tài sản có giá trị trong vụ hỏa hoạn tại nhà kho của Công ty TNHH Thành Công ở thành phố Pleiku, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp và nhân dân.
Kinh nghiệm của Lữ đoàn PPK 234 trong công tác PCCC là ngoài thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, phải tăng cường huấn luyện, rèn luyện bộ đội thường xuyên, liên tục và sát thực tế nhiệm vụ. Chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên báo động phòng, chống cháy rừng, CHCN ở những thời điểm khác nhau, kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ, đêm khuya để huấn luyện, kiểm tra. Trên cơ sở đó đánh giá toàn diện, chính xác khả năng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, từ phương án, vật chất, trang bị đến tác phong, hành động của cán bộ, chiến sĩ, thiếu và yếu chỗ nào sẽ bổ sung ngay lập tức. Trong chương trình huấn luyện hằng năm, Lữ đoàn PPK 234 luôn bố trí nhân lực, vật lực, thời gian để huấn luyện các phương án PCCC, CHCN. Đặc biệt, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực hiệp đồng, xử trí các tình huống của đội ngũ cán bộ các cấp; huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang bị PCCC, CHCN; có sức khỏe, khả năng chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt. Cùng với đó, Lữ đoàn PPK 234 phân công khu vực, kho tàng, doanh trại cho từng cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng canh gác, thông báo, báo động và kịp thời chữa cháy khi có tình huống xảy ra.
Thời gian huấn luyện chưa lâu nhưng chiến sĩ mới của Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn PPK 234 đã nắm được kế hoạch, phương án PCCC của đơn vị và biết sử dụng các phương tiện, trang bị chữa cháy. Theo Đại úy Nguyễn Lệ Tuyền, Chính trị viên Đại đội 9, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là ở thời điểm mùa khô như hiện nay nên đơn vị đã chủ động giáo dục, huấn luyện cho chiến sĩ mới để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. “Đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, mọi cán bộ, chiến sĩ phải được huấn luyện, chuẩn bị kỹ cả về tư tưởng, tâm lý, sức khỏe, kỹ năng”, Đại úy Nguyễn Lệ Tuyền cho hay.
Thiếu tá Ung Nho Trường, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn PPK 234 cho biết, hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2023, vật chất PCCC, CHCN là một trong những nội dung đơn vị chuẩn bị và chấm thi. Qua đó nâng cao được trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC, CHCN. Đồng thời, hội thi chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm chỉ huy PCCC, CHCN để tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, làm cơ sở huấn luyện bộ đội và phân đội. Trong hội nghị giao ban tuần, các đơn vị đều phải báo cáo kết quả huấn luyện, luyện tập phương án PCCC; đánh giá, dự báo những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao và phương án xử trí với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, triệt để”.