Bộ đội quân hàm xanh ở nơi bão lũ đi qua
CBCS Đồn BP Xuân Đài giúp dân khắc phục hậu quả sau bão lũ. Ảnh: TỨ HẢI
Đã gần 10 ngày trôi qua, nhưng nhiều người dân Phú Yên nói chung, các địa phương ven biển của TX Sông Cầu nói riêng vẫn chưa hết bàng hoàng về cơn lũ do bão số 12 gây ra. “Cũng may nhờ có Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các lực lượng đã có mặt, giúp bà con kịp thời nên hạn chế được thiệt hại”, Bí thư Thị ủy Sông Cầu Đào Mỹ nói.
Ứng phó nhanh
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và TX Sông Cầu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) các đồn BP Xuân Đài, Xuân Hòa phối hợp với các lực lượng tại chỗ, tiến hành vận động và khẩn trương sơ tán người dân các địa bàn có nguy cơ sạt lở, vùng triều cường, đến nơi tránh trú an toàn. “Đến 19 giờ ngày 9/11, không còn người lao động nào ở lại trên các bè nuôi thủy sản. Các đồn, trạm BP đã phân công lực lượng phối hợp chính quyền tổ chức trực gác, canh phòng, chốt chặn tại các bến ghe thuyền, không để người dân ra biển khi bão chưa tan”, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết.
Làng biển Hòa An (xã Xuân Cảnh) là nơi thường bị triều cường khi có áp thấp nhiệt đới và bão đổ bộ. Trước lúc bão số 12 đổ bộ, Đồn BP Xuân Hòa đã huy động hơn 20 CBCS, phối hợp với lực lượng công an, dân quân sử dụng hàng trăm bao cát đắp bờ bao chắn sóng bảo vệ nhà cửa của dân. Đồng thời di dời toàn bộ người dân ở khu vực nguy hiểm, ở nhà cấp 4 có nguy cơ bị sập đến nơi tránh trú an toàn.
Khu vực nội thị và xã Xuân Lâm của TX Sông Cầu là vùng tâm lũ sau bão số 12. Thiếu tá Dương Đức Tứ Hải, Đồn trưởng Đồn BP Xuân Đài, nhớ lại: Cả ngày 10/11, trên địa bàn TX Sông Cầu mưa rất lớn. Nước thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Hàng trăm nhà dân ngập nước và rất nhiều đoạn đường bị ngập sâu hơn nửa mét, nước chảy xiết, người và phương tiện đi lại rất nguy hiểm hoặc không thể qua lại. Đơn vị đã phân công các tổ công tác túc trực tại các tuyến đường bị ngập nước giúp đỡ người dân qua lại; phối hợp với địa phương lập rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập sâu, nguy hiểm.
Còn thiếu tá Trần Ngọc Anh, Chính trị viên Đồn BP Xuân Đài cho biết: Hôm đó, khi bộ đội chuẩn bị ăn cơm chiều, tôi nhận điện thoại của Bí thư Thị ủy Đào Mỹ cho biết nước lũ đang lên nhanh, hơn 300 hộ dân ở phường Xuân Phú với 920 người cần được cứu hộ; khu vực Xuân Lâm cũng đáng báo động. Theo chỉ đạo của Bí thư Thị ủy Đào Mỹ, Đồn trưởng đã xin ý kiến của Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh và lập tức điều động ca nô, triển khai quân theo hai mũi, tiến về những khu dân cư cần ứng cứu khẩn cấp.
“Mưa như trút, nước lên rất nhanh, các lối đi bị ngập sâu. Mũi thứ nhất đi xã Xuân Lâm do tôi trực tiếp chỉ huy bị lũ chặn giữa đường, phải quay lại tăng cường cho mũi thứ hai”, thiếu tá Hải cho biết. Mũi thứ hai do đại úy Lê Minh Thao, Chính trị viên phó chỉ huy có mặt kịp thời tại rốn lũ phường Xuân Phú.
Lúc này trời bắt đầu tối. Bộ đội phải dùng cọc tre để dò đường, đến từng nhà, giúp người dân di chuyển đồ đạc và đưa hết người này đến người khác lên các nhà cao, kiên cố. Khi đêm xuống, thị xã bị cúp điện tối mịt. Lực lượng cứu hộ phải dùng đèn pin soi đường, dò từng ngõ ngách. Khi đến cuối xóm Dừa, bộ đội phát hiện một cụ bà bị mắc kẹt bên trong nhà trong lúc nước đang dâng cao gần ngập đầu người.
Binh nhất Đặng Vương Cường, nhân viên Trạm KSBP Dân Phước kể: Nhà của cụ Nguyễn Thị Bông (82 tuổi) ở cuối xóm. Khi tôi đưa thúng chai đến, bà đang ngồi trên đống bao lúa chất cao nhưng nước cũng đã mấp mé. Sau khi tiếp cận, tôi bế bà lên thúng và đẩy đến nơi an toàn.
Đến 2 giờ sáng 11/11, sau khi kiểm tra không còn người nào bị mắc kẹt trong lũ, những người lính cứu hộ của Đồn BP Xuân Đài mới lấy lương khô ra dùng bữa chiều.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Trở về đơn vị lúc 3 giờ sáng, nhận tin cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam nối phường Xuân Đài với xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) đã bị nước lũ cuốn phăng; ở khu dân cư gần sông Bình Bá, nhiều người dân đang cần cứu hộ vì nước lũ dâng cao, chưa kịp ngủ nghỉ, bộ đội lại có mặt kịp thời, sẵn sàng giúp dân. Tuy nhiên, nước ở khu vực này chỉ lên cao quá đầu gối rồi rút. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Tranh thủ chợp mắt chờ trời sáng, sớm hôm sau, CBCS Đồn BP Xuân Đài được sự tăng cường của 10 CBCS Đồn BP Xuân Hòa lại có mặt tại xã Xuân Phú và Xuân Lâm khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
Bà Bùi Thị Viễn ở thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm nói: “Cơn lũ vừa rồi chẳng kém gì cơn lũ năm 2009. Nước lên nhanh lúc 5 giờ chiều khi trời đã gần tối nên bà con rất khó xoay xở. Nhờ có bộ đội, công an dùng ca nô kịp thời di dời bà con đến trú tạm ở trụ sở UBND xã. Vì vậy, mặc dù nước ngập sâu nhưng bà con đều an toàn. Sau khi nước rút, bộ đội lại có mặt giúp đỡ dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định nơi ăn chốn ở, khôi phục sản xuất và đời sống. Bà con chúng tôi rất biết ơn”.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm Nguyễn Văn Thi cho biết: Xuân Lâm có hơn 550 hộ dân có nhà bị ngập sâu trong nước. Nhờ xã có phương án di dời người dân trước nên không có thiệt hại về người nhưng trâu bò, heo gà thì hầu như bị lũ cuốn sạch. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường mẫu giáo, nhà cửa của dân đều ngâm trong nước lũ. Khi nước rút, toàn bộ đồ đạc trong nhà đều ngập ngụa bùn, điện lưới bị mất. Bộ đội phải ra suối khiêng từng thùng nước về để dội rửa. “Tôi biết đêm trước, các anh đã thức trắng với bà con trong rốn lũ xã Xuân Phú, nhưng sáng sớm lại đến xã Xuân Lâm bắt tay vào việc ngay, rất cật lực”, ông Thi cảm kích nói.
Khi lũ lên nhanh, UBND các xã, phường đã phối hợp cùng các lực lượng cứu nạn, cứu hộ, nòng cốt là lực lượng biên phòng, công an, quân sự kịp thời sơ tán dân tránh bão, di dời dân khỏi vùng ngập lụt và thực hiện cứu nạn cứu hộ ngay trong bão lũ. Điều mừng nhất là trong cơn bão lũ vừa qua không có thiệt hại về người, nhưng hàng ngàn lồng tôm bị sốc nước, tôm chết hàng loạt, người dân đang rất khốn khó, rất cần sự hỗ trợ kịp thời để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, giữ ổn định địa bàn.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249085/bo-doi-quan-ham-xanh-o-noi-bao-lu-di-qua.html