Bộ đội Quân khu 4 đồng hành cùng thương binh, xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Gần 5 năm qua, cứ vào những ngày cuối tháng, cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 lại hành quân về Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An để thực hiện mô hình 'Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm', nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh và tri ân những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.
Những ngày tháng 7 này, chúng tôi theo đoàn cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 hành quân về Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An, để tổ chức các hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Gặp nhau tại đây, những người lính Hậu cần và các thương bệnh binh tay bắt mặt mừng như gặp người thân lâu ngày trở về. Những thanh âm rộn rã trong những câu chuyện hàn huyên về “một thời hoa lửa” khiến chúng tôi bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào về thế hệ cha anh.
Sau khi thăm hỏi tình hình các bác thương binh, không ai bảo ai, mọi người chia ra từng nhóm thực hiện phần việc quen thuộc của mình như khám sức khỏe, gội đầu, cắt tóc, tặng quà cho các thương bệnh binh, hay cắt tỉa bồn hoa cây cảnh, tổng dọn vệ sinh trung tâm...
Trò chuyện với chúng tôi, thương binh hạng 1/4 Trần Quốc Tế (quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) tâm sự: “Cứ mỗi lần cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần về đây là hôm đó vui như ngày hội. Các đồng chí đã giúp chúng tôi quên đi bệnh tật".
Vừa được một thành viên trong đoàn công tác giúp cắt mái tóc mới gọn gàng, ông Ngô Xuân Kiện (thương binh hạng 1/4, quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Vài năm trước, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mọi người. Song các anh chị ở Cục Hậu cần đã luôn quan tâm tiếp tế lương thực, thực phẩm, lúc thì bó rau, cân miến, lúc thì cá hộp, thịt hộp... Điều đó càng thúc giục chúng tôi cần phải nỗ lực cố gắng, vượt lên bệnh tật để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: thương binh tàn nhưng không phế”.
Sống đơn thân và thường xuyên ở trung tâm hơn 44 năm qua, bà Nguyễn Thị Lượng (quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) rất vui và xúc động khi đón những người lính thuộc lớp con cháu đến đây thăm nom, giúp đỡ và chuyện trò. “Cuối tháng nào căn phòng tôi ở cũng rộn rã tiếng nói cười. Màu áo bộ đội xuất hiện nơi đây khiến chúng tôi nhớ mãi một thời quân ngũ ở chiến trường”, bà Lượng nói.
Theo Đại tá Trịnh Danh Toán - Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần Quân khu 4, khi mới thực hiện mô hình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm", đơn vị gặp không ít khó khăn, vì một số bác thương binh tỏ ra không đồng tình, ngại tiếp xúc với người ngoài trung tâm và sợ làm phiền bộ đội.
Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, bằng tất cả tình cảm, ý thức trách nhiệm, chăm sóc các thương binh như chăm sóc chính người thân trong gia đình nên cán bộ, nhân viên cùng các thương binh ở trung tâm đã coi cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 như người trong một nhà.
“Phần lớn các bác thương binh ở đây không lập gia đình mà gắn bó cuộc đời mình với trung tâm như ngôi nhà thứ hai. Từ trong đáy lòng, mỗi người trong chúng tôi đều mong muốn đóng góp một điều gì đó để giúp các bác vơi đi phần nào đau thương, mất mát. Chúng tôi cũng xác định không phải làm để lấy mô hình, làm qua loa, đại khái mà qua những việc làm rất đỗi bình dị ấy đã khơi dậy được ý thức, trách nhiệm, tình yêu thương, lòng nhân ái của mọi người”, Đại tá Trịnh Danh Toán cho biết.
Theo ông Phạm Thành Quốc Trụ - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An, có bộ đội về đây cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các thương bệnh binh, khiến cho sợi dây tình cảm gắn bó giữa quân với dân càng thêm sâu đậm.
Điều đặc biệt là giúp các bác thương binh trở nên lạc quan, có thêm tinh thần, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và cảm thấy được sống lại một thời quân ngũ của mình.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An đang thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 60 thương binh. Được Cục Hậu cần Quân khu 4 và Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện từ cuối năm 2019, đến nay, mô hình “Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm” đã lan tỏa đến các cơ quan, đơn vị. Ngoài mô hình này, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình ý nghĩa trong toàn Cục Hậu cần, như: “Bát cháo tình thương, bữa cơm nghĩa tình”; “Cắt tóc, gội đầu, bấm huyệt cho bệnh nhân nặng”; “Nét đẹp quân nhân”; “Kỹ năng sống cho em”; “Đồng hành cùng trẻ em khuyết tật”…