Bộ đội tình nguyện Việt Nam trên sân khấu kịch Lào
Đêm 14-7, màn công diễn vở kịch 'Chung một chiến hào' tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào ca ngợi mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào thông qua nội dung bộ đội tình nguyện Việt Nam kề vai sát cánh chống kẻ thù chung của với chiến sĩ quân đội Lào đã thành công tốt đẹp, gây tiếng vang trong giới văn hóa nghệ thuật và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Vở kịch do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thực hiện.
NDĐT - Đêm 14-7, màn công diễn vở kịch “Chung một chiến hào” tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào ca ngợi mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào thông qua nội dung bộ đội tình nguyện Việt Nam kề vai sát cánh chống kẻ thù chung của với chiến sĩ quân đội Lào đã thành công tốt đẹp, gây tiếng vang trong giới văn hóa nghệ thuật và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Vở kịch do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thực hiện.
Vở kịch Chung một chiến hào dàn dựng theo hình thức chính kịch, được dàn dựng công phu trên sân khấu Cung Văn hóa Quốc gia Lào có kịch bản dài 90 phút, do Nghệ sĩ ưu tú Hongnakhon Thumphala xây dựng kịch bản dựa trên những câu chuyện có thật về cuộc sống, chiến đấu của bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào. Đây là một trong những vở kịch lớn nhất mà Lào thực hiện trong năm nay với sự diễn xuất của hơn 80 nghệ sĩ thuộc đoàn Nghệ thuật Quốc gia, đoàn Xiếc Quốc gia, một số đoàn nghệ thuật không chuyên và một số diễn viên quần chúng.
Vở kịch bắt đầu bằng màn độc thoại của nhân vật Khamken, bộ đội Lào hồi tưởng lại câu chuyện xảy ra khi đại đội 1 của anh đang bảo vệ một căn cứ chiến lược trên đỉnh đồi thuộc khu căn cứ cách mạng tỉnh Xiêng-khoảng, miền bắc Lào vào năm 1972. Qua các đoạn tự thuật của Khamken, vở kịch đưa người xem tái hiện khung cảnh xưa với sân khấu dàn dựng công phu về cuộc sống và cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của bộ đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ bộ đội Lào. Với nhân vật trung tâm là Khamken và anh bộ đội tình nguyện Việt Nam tên Hùng.
Cuộc sống thường ngày trong đại đội tại điểm cao được các diễn viên Lào diễn xuất chân thực, từ việc quan tâm, hỏi han lẫn nhau về tình hình gia đình, quê hương cũng như những cử chỉ chăm sóc, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, cho đến những trận chiến đấu chống kẻ thù tấn công lên điểm cao, những chiến sĩ Việt Nam và Lào vẫn luôn sống lạc quan, yêu đời, chia nhau từng ngụm nước, quả chuối đến những bánh lương khô.
Mặc dù lực lượng chênh lệch rất nhiều, nhưng các chiến sĩ quân đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chung vai một chiến hào, dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tấn công với số lượng lớn của kẻ địch. Nhiều thủ pháp và loại hình nghệ thuật được lồng ghép trong vở kịch, các màn độc thoại, bàng thoại và đối thoại, các cảnh kịch được tái dựng với bố cục rõ ràng, “Chung một chiến hào” đã được khán giả đánh giá cao, nhiều cảnh đã nhận được sự đồng cảm rõ ràng từ khán giả như cảnh mặc niệm linh hồn các liệt sĩ sau khi các chiến sĩ chôn cất đồng đội hy sinh, những màn đối thoại về tình yêu gia đình, quê hương đất nước cũng như khát vọng đánh thắng kẻ thù, giành độc lập tự do cho quê hương đất nước…
Hình ảnh bộ đội tình nguyện Việt Nam được điển hình hóa cao nhất vào cuối vở kịch, khi Khamkhen và anh bộ đội Hùng sát cánh cùng nhau mưu trí chống trả đợt tấn công điên cuồng của kẻ địch. Trong đợt tấn công cuối cùng này, anh bộ đội Hùng đã hy sinh anh dũng khi lấy thân mình che đạn cho Khamkhen và chính hành động quên mình vì đồng đội của anh bộ đội Hùng, Khamkhen như càng được tiếp thêm sức mạnh, một mình tiêu diệt nốt những quân địch cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà đại đội mình được giao.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào sau khi vở kịch kết thúc, Trung sĩ Thạ-nu-thong Kẹo-vi-hản thuộc Quân khu Thủ đô Viêng Chăn cho biết, vở kịch gây ấn tượng mạnh với việc các diễn viên nhập vai nhân vật như thật. Với tính khái quát cao của vở kịch, Thạ-nu-thong càng hiểu rõ hơn về một quá khứ lịch sử hào hùng của các thế hệ Lào và Việt Nam đi trước, đã cùng nhau sát cánh, chống kẻ thù chung cũng như cùng nhau xây dựng đất nước Lào tươi đẹp như ngày nay. Còn bà Neo-đi Sẳng-hả-khôm, năm nay đã hơn 80 tuổi cho biết, mặc dù nhà ở tận huyện Sỉ-khốt xa nơi biểu diễn, nhưng vẫn lặn lội đến xem khi biết tin vở kịch công chiếu.
Bà Neo-đi cho biết, trước đây đã từng gặp gỡ và trò chuyện với bộ đội tình nguyện Việt Nam, nay xem vở kịch, bà như được cùng ngồi nói chuyện với các nhân vật, với con cháu là bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào. Bà Neo-đi tâm sự, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã không quản ngại gian lao, gác lại những hạnh phúc của bản thân, xa gia đình, xa quê hương đất nước để lên đường sang Lào vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, những người dân Lào như bà sẽ không bao giờ quên, vì vậy bà đến đây để được cùng sống trong bầu không khí chung sức, chung lòng của quân dân hai nước Lào -Việt Nam.
Vở kịch khép lại với hình ảnh nhân dân hai nước Việt Nam Lào dâng hoa bên tượng đài để tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã cùng kề vai sát cánh, chiến đấu hy sinh giành độc lập cho đất nước Lào, vì sự nghiệp cách mạng chung của hai nước.
Thay mặt cho các khán giả tham dự buổi công diễn, Phó Thủ tướng Xỏn-xay Xi-phăn-đon (Sonsay Siphandone), lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã lên tặng hoa, biểu dương các nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của vở kịch.
Sân khấu Cung Văn hóa Quốc gia Lào chật kín không thừa một chỗ, rất nhiều khán giả nán lại, người bồi hồi với những cảm xúc khó quên, người chờ xếp hàng để chụp ảnh kỷ niệm với các diễn viên đã nói lên thành công của vở kịch. Như Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bua-ngân Xa-phu-vông chia sẻ với chúng tôi, dự kiến Bộ sẽ công diễn vở kịch tại một số tỉnh thành của Lào khi thuận lợi. Đây là lần đầu tiên vở kịch Chung một chiến hào được công diễn và dựa trên nội dung chính của vở kịch “ Đồng chí Việt” đã từng công diễn trước đây tại Lào. Công diễn vở kịch “Chung một chiến hào” là một hoạt động mà Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào tổ chức thực hiện để tri ân bậc tiền bối của hai nước, là thể hiện tấm lòng của nhân dân Lào đối với những đóng góp to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào và là một trong những hoạt động thiết thực để đóng góp vào Năm Đoàn kết hữu nghị Lào – Việt Nam 2017 giữa hai nước.