Bố dượng đổ xăng thiêu chết bé trai 6 tuổi ở Hà Nội có thể đối diện án tử hình
LS Nguyễn Anh Thơm cho rằng, Hoàng Tiến Linh đã mang xăng tới nhà bố vợ đốt khiến bé trai 6 tuổi con riêng của vợ tử vong trong cùng một thời điểm, đối tượng đã phạm 02 tội đặc biệt nghiêm trọng, đó là tội Giết người và tội Hủy hoại tài sản. Với hai tội danh này khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Sáng 13/10, một người thân của bé trai Trần Gia K. (6 tuổi, nạn nhân trong vụ bố dượng đổ xăng đốt nhà xảy ra ngày 12/10, ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, do vết thương quá nặng, cháu đã qua đời vào rạng sáng cùng ngày. Theo người nhà, sau vụ hỏa hoạn, bé K. bị bỏng sâu 98% và được đưa đến Viện Bỏng quốc gia chữa trị.
Tuy nhiên đến chiều 13/10, tiên lượng sức khỏe xấu, không thể qua khỏi nên người nhà đã đưa cháu về Bệnh viện Thanh Nhàn sau đó cháu tử vong. Trước đó, khoảng 1h30 ngày 12/10, sau khi đuổi chị Trần Kim S. (29 tuổi) và cháu Trần Gia K. (6 tuổi, con riêng của chị S.) về nhà ngoại tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trong lúc không tỉnh táo, Hoàng Tiến Linh (30 tuổi) đã mang xăng tới nhà bố vợ để tìm chị S. giải quyết mâu thuẫn.
Nghe tiếng chồng gọi cửa, chị S. bế cháu K. ra mở thì bị Linh hất xăng lên người rồi châm lửa đốt. Vụ việc khiến ngôi nhà cấp 4 bị thiêu rụi cùng nhiều đồ đạc, nhiều người bị thương. Trong đó, Linh và cháu K. bị bỏng nặng. Theo người thân, Linh và chị S. về chung sống với nhau được vài năm nay. Cả 2 người đều có gia đình và con riêng trước đó, Linh có con gái với vợ cũ còn chị S. có cháu K. Trước khi xảy ra sự việc, Linh và chị S. có xảy ra một số mâu thuẫn.
Linh đang trong quá trình cai nghiện, hàng ngày vẫn phải uống thuốc cắt cơn Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, xét hành vi phạm tội của đối tượng thấy vì lý do nhỏ nhặt trong quan hệ vợ chồng, chuẩn bị xăng là chất dẫn cháy rất nguy hiểm mang sang nhà tìm gặp vợ để giải quyết mâu thuẫn là hành vi có chủ ý tước đoạt tính mạng người khác.
“Thực tế, khi gặp vợ đang bế cháu bé, đối tượng đã hất xăng lên 2 mẹ con rồi châm lửa thiêu. Hậu quả làm cháu K. tử vong. Chị S. và một số thành viên trong gia đình may mắn thoát chết nên bị thương tích bỏng do đối tượng gây ra. Ngoài ra, lửa cháy khiến cho ngôi nhà cấp 4 bị thiêu rụi cùng nhiều tài sản. Như vậy, đối với những người bị thương tích, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội Giết người chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự 2015”, luật sư Thơm nêu rõ.
Luật sư Thơm cho rằng, hành vi phạm tội của đối tượng không những đã xâm hại đến quyền được sống của người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Trong cùng một thời điểm, đối tượng đã phạm 02 tội đặc biệt nghiêm trọng, đó là tội Giết người và tội Hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 và Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Đối với tội Hủy hoại tài sản, kết quả định giá tài sản thiệt hại của Cơ quan chuyên môn trong tố tụng hình sự sẽ làm căn cứ xử lý tương ứng đối tượng theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015.
“Nếu đối tượng phạm tội có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tử hình cho cả 2 tội danh”, luật sư Thơm nói. Box Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; n) Có tính chất côn đồ; Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.