Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội 6 nhóm vấn đề
Gian lận thi cử, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa... là ba trong số nhiều vấn đề 'nóng' được Quốc hội và xã hội quan tâm.
Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT gửi Quốc hội giải trình những việc đã và đang triển khai, sáu nhóm vấn đề được đặt ra. Trong đó, dư luận quan tâm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học; đào tạo giáo viên; thi THPT quốc gia; chương trình và sách giáo khoa mới.
Gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay
Vấn đề này được dư luận rất quan tâm thời gian qua. Cử tri Hà Nội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm cán bộ, giáo viên, học sinh có hành vi gian lận trong thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Đồng thời, ngành giáo dục cần tiếp tục kiểm tra, rà soát những năm trước đây để xử lý, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo giữ vững niềm tin của nhân dân.
Hiện, vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình vẫn chưa có kết quả cuối cùng, điểm thi thật chưa được trả lại cho thí sinh. Bộ GD&ĐT vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Trong báo cáo, Bộ trưởng GD&ĐT cho hay phương thức thi THPT quốc gia tiếp tục được triển khai trong năm 2019 và những năm tiếp theo với điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm từ năm 2018, nhất là khâu chấm thi.
Với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và thực hiện các giải pháp cơ bản: Rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với các khâu.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của địa phương, trường đại học, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với người tham gia.
Bộ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi làm cơ sở để xây dựng đề thi, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh.
Sinh viên thất nghiệp dẫn đến lãng phí ngân sách
Cử tri các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Nội, phản ánh hiện nay, nhiều trường đại học mới được thành lập và đào tạo với số lượng lớn sinh viên. Hàng năm, sinh viên ra trường khó tìm được việc, gây lãng phí ngân sách của Nhà nước và tiền của nhân dân.
Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu có định hướng trong việc đào tạo của các trường để sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ đại học ở Việt Nam khoảng 4%. Nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này, tỷ lệ không quá lớn (năm 2017 gần 3% đến 4,5%, chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động). Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ GD&ĐT cho hay đến nay, công tác phân luồng đạt kết quả bước đầu. Số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không tiếp tục học lên trung học phổ thông chiếm khoảng 30%. Các năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển sang học nghề có xu hướng tăng.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng ban hành đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/7/2018 phê duyệt "Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năn 2025".
Bộ GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục trung học thực hiện việc tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề.
Băn khoăn một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, bộ đang hoàn thiện thông tư ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và sẽ ban hành trong tháng 10.
Sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định lộ trình áp dụng trong thời gian Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cùng việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện.
Trước đó, Bộ GD&ĐT từng dự kiến ban hành chương trình mới vào tháng 8. Hiện tại, việc viết sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân vẫn chờ chương trình nên chưa công khai biên soạn.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng là chủ đề được dư luận quan tâm thời gian qua. Nhiều cử tri cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho phép cơ sở giáo dục tự lựa chọn sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tính thống nhất của hệ thống giáo dục cả nước. Do đó, họ đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ khi thông qua luật này và hạn chế việc thay đổi nội dung sách giáo khoa nhiều lần, ảnh hưởng tâm lý của phụ huynh, học sinh và gây lãng phí ngân sách.
Phía Bộ GD&ĐT giải thích nhiều năm nay đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện nay không còn quá lệ thuộc sách giáo khoa.
Đánh giá một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng của thế giới, tuy nhiên, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng khi thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” có thể xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có quy chế minh bạch, khoa học, công khai.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-gd-dt-bao-cao-quoc-hoi-6-nhom-van-de-post886598.html