Bộ GD&ĐT cần sớm công bố bằng bổ túc cấp 3 dư luận đang quan tâm

Dư luận đang rất quan tâm việc công bố thông tin liên quan đến tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa mà các cơ quan vừa xác minh.

Những ngày qua mạng xã hội xôn xao về một bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của một người đàn ông. Thông tin trên tấm bằng này được cấp ngày 12-7-1989 có chữ ký của bà Vương Thị Tần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM.

Các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì xác định người này không có tên trong danh sách tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa tại TP HCM.

Nếu sử dụng bằng giả để đi học

Trước hết, cần phải khẳng định đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, người dân cả nước đang thực hiện quyền giám sát của mình nên rất quan tâm, theo dõi sát sao.

Kết quả xác minh, công bố thông tin phải kịp thời, nhanh chóng vì hiện nay có rất nhiều ý kiến phân tích, chứng minh "bằng cấp 3" đó nghi là giả. Điều này trùng khớp với việc cơ quan chức năng xác minh người này không thi và cũng không có trong hệ thống được cấp bằng tại Sở GD&ĐT TP HCM thì có thể khẳng định "bằng cấp 3" đó là giả.

Tang vật một vụ án sản xuất, cung cấp bằng giả

Tang vật một vụ án sản xuất, cung cấp bằng giả

Do đó, nếu sử dụng bằng cấp 3 giả đó để học cao hơn như: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì dư luận tiếp tục đặt ra vấn đề có hay không sự việc tiếp tay của những cá nhân, tổ chức? Đây là câu hỏi cấp thiết cần sự phúc đáp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm công bố, cung cấp thông tin, cụ thể:

Khoản 1 Điều 16 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ngày 29/11/2019 của Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện cấp văn bằng: "1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học"

Như vậy, nếu cá nhân nào không đáp ứng được một trong các điều kiện trên nhưng sau vẫn có bằng tốt nghiệp để sử dụng cho các bấc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ thì hoặc là quy trình cấp bằng có sai phạm.

Hoặc đó là bằng tốt nghiệp giả và sẽ bị thu hồi, hủy bỏ bởi Giám đốc Sở GD&ĐT theo Điều 25 Thông tư 21/2019 và phải lập thành quyết định, đăng tải thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử.

Ngoài việc thu hồi, hủy bỏ thì Giám đốc Sở GD&ĐT có trách nhiệm "Xác minh tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân;" (điểm e khoản 2 Điều 5 Thông tư 21/2019).

Nếu có căn cứ hoặc có dấu hiệu của việc mua bán bằng giả hoặc đưa nhận hối lộ thì phải chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xác minh, xử lý theo quy định. Trường hợp sử dụng bằng cấp 3 giả để từ đó có kết quả được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tất cả các bằng cấp này đều là giả vì kết quả có được là từ bằng cấp 3 giả. Lúc này, Bộ GD&ĐT phải kiểm tra, thẩm định hồ sơ quá trình đào tạo, thẩm định chất lượng luận án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư 18/2021.

Trách nhiệm công bố thông tin của Bộ GD&ĐT

Như đã phân tích, nếu bằng cấp 3 giả thì tất cả các kết quả cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sau đó đều phải bị thu hồi và hủy bỏ nhưng sự việc không dừng lại ở đó mà Bộ GD&ĐT cũng phải thẩm định các tài liệu, hồ sơ, quy trình học cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ và nội dung luận án tiến sĩ có đạt hay không?

Có dấu hiệu của việc thông đồng, cấu kết của các tổ chức, cá nhân trong việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ không? Nếu phát hiện hoặc có dấu hiệu tiêu cực, đưa nhận hối lộ để cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì Bộ GD&ĐT phải chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị điều tra xử lý hành vi có dấu hiệu tội phạm và lúc này thẩm quyền không còn thuộc về Bộ GD&ĐT.

Sau khi thực hiện các bước trên đây, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 08/01/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho dư luận, cơ quan báo chí: "….về sự kiện, hoặc vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành giáo dục nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng thông tin, định hướng dư luận;

Trường hợp xảy ra sự kiện cần có ngay ý kiến ban đầu của Bộ GD&ĐT thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 6 tiếng, kể từ khi sự kiện xảy ra".

Luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Gold Key)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-gddt-can-som-cong-bo-bang-bo-tuc-cap-3-du-luan-dang-quan-tam-196240704103006877.htm