Bộ GD&ĐT: Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cho biết như vậy về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông THPT) những năm tới đây tại buổi họp thông tin ngày 30/9/2020 về hoạt động giáo dục và đào tạo thời gian gần đây.

Bộ GD&ĐT khẳng định, nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi trung học phổ thông (THPT) từ 2015 đến 2020 cho thấy, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện.

Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội. Các hình thức tuyển sinh ĐH-CĐ được đa dạng hóa. Các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ có sự chuyển biến tích cực trong tự chủ tuyển sinh, trong đó ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương thức xét tuyển theo tiếp cận quốc tế, như sử dụng các chứng chỉ chuẩn quốc tế, kết quả bài thi đánh giá năng lực... Tỷ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT giảm đi.

Nhiều chủ trương quan trọng về giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành trong thời gian gần đây

Nhiều chủ trương quan trọng về giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành trong thời gian gần đây

Từ kết quả của giai đoạn 2015 - 2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 - 2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.

Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh; bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên Hội đồng. Bộ GD&ĐT đang hoàn thành để báo cáo Chính phủ thông qua (vào tháng 10).

Đáng chú ý trong quý III/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, có tính “bước ngoặt” như: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học; Thông tư ban hành điều lệ trường tiểu học; Thông tư ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học; dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh trong các trường phổ thông thay thế thông tư đã ban hành cách đây 32 năm…

Cùng đó để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GD&ĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGD&ĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-gddt-giu-on-dinh-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-144696.html