SV ngành Quản lý bệnh viện, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thực tập từ năm nhất

Không chỉ học tập trên giảng đường, SV còn được nhà trường tạo điều kiện để học nhiều kỹ năng thực tiễn tại các cơ sở y tế hàng đầu VN từ năm nhất.

Gần đây, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe của cộng đồng có xu hướng tăng cao. Các chuyên gia nhận định rằng, sau đại dịch, hệ thống y tế của nhiều quốc gia sẽ được chú trọng đầu tư và cải tổ đáng kể, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các ngành liên quan đến y tế và sức khỏe, trong đó có ngành Quản lý bệnh viện.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Quản lý bệnh viện được đào tạo theo 3 chuyên ngành: Quản trị bệnh viện, Thư ký Y khoa, Công tác xã hội bệnh viện.

Đây là một trong những ngành học đang thu hút nhiều sinh viên bởi tầm quan trọng và triển vọng nghề nghiệp rộng mở trong lĩnh vực y tế. Chương trình đào tạo ngành này được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về quản lý và vận hành các cơ sở y tế, từ đó giúp họ trở thành những nhà quản lý y tế giỏi trong tương lai.

Nhiều bệnh viện được thành lập, nhu cầu nhân lực Quản lý bệnh viện tăng cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa Quản lý Y tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: Tại khu vực các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển kinh tế và văn hóa đã dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Nhiều bệnh viện được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về cơ cấu tổ chức nhân lực trong các bệnh viện.

"Các bệnh viện cần phải có đủ nhân sự chuyên môn, từ quản lý, quản trị bệnh viện, thư ký y khoa, công tác xã hội bệnh viện, quản lý chất lượng, marketing bệnh viện, đến chăm sóc khách hàng, để đảm bảo hoạt động đồng bộ, hiệu quả và chất lượng", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập cho biết.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa Quản lý Y tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa Quản lý Y tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Trong 5 năm qua, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tuyển dụng tại các cơ sở y tế không chỉ dừng lại ở điều dưỡng, bác sĩ mà còn mở rộng đến các chuyên viên, nhân viên y tế, và nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng trong bệnh viện.

Khoa Quản lý Y tế đã có trao đổi với một số giám đốc các bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức và Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Đây cũng là ba trong số nhiều cơ sở mà sinh viên theo học ngành Quản lý bệnh viện tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có cơ hội thực tập.

Kết quả các cuộc trao đổi cho thấy nhu cầu tuyển dụng cử nhân Quản trị bệnh viện, Thư ký Y khoa, Công tác xã hội bệnh viện là rất lớn. Hiện tại, nhiều vị trí chuyên viên trong các phòng, văn phòng khoa, khoa lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng, cần gấp những chuyên viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng quản trị, quản lý.

 Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa trường Đại học Nguyễn Tất Thành với bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong đào tạo cử nhân Quản lý bệnh viện. Ảnh: NTCC

Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa trường Đại học Nguyễn Tất Thành với bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong đào tạo cử nhân Quản lý bệnh viện. Ảnh: NTCC

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập cũng nhấn mạnh rằng, ngành Quản lý bệnh viện nói chung, các chuyên ngành Quản trị bệnh viện, Thư ký Y khoa, Công tác xã hội bệnh viện nói riêng vẫn còn khá mới mẻ và chưa tiếp cận được nhiều với phụ huynh có định hướng cho con em theo khối ngành sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nhu cầu tuyển dụng các cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị bệnh viện, Thư ký Y khoa, Công tác xã hội bệnh viện hiện đang rất lớn. Mỗi năm, các phòng chức năng, văn phòng khoa lâm sàng và cận lâm sàng tại bệnh viện đều cần tuyển dụng từ 10-20 vị trí như thư ký y khoa, trợ lý giám đốc, phó giám đốc, chuyên viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn tư vấn thủ tục hành chính cho người bệnh, hỗ trợ bác sĩ tại phòng khám, chuyên viên quản lý hồ sơ bệnh án, chuyên viên hỗ trợ các phòng chức năng, chuyên viên quản lý hành chính, nhân sự, quản lý hậu cần và quản lý chất lượng. Các vị trí này đòi hỏi nhân sự có kiến thức chuyên môn sâu về quản lý, quản trị bệnh viện, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.

 Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: NVCC

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cũng nhận định rằng tương lai nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí này sẽ rất cao.

"Nhằm tối đa hóa sử dụng nguồn lực sẵn có và đảm bảo hiệu quả trong công tác quản trị, quản lý bệnh viện, các cơ sở y tế rất cần tuyển dụng nhân viên y tế có chuyên môn phù hợp với vị trí chuyên viên quản trị, quản lý các phòng chức năng tại bệnh viện", Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Thanh nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, đây là ngành học đầy ý nghĩa và triển vọng, nơi các em sẽ có cơ hội phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội và mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống và người bệnh.

Ngành học này không chỉ đào tạo ra những nhân viên y tế, chuyên viên có kỹ năng phù hợp, mà còn đáp ứng nhu cầu về hành chính quản trị, cung cấp đủ điều kiện nguồn lực phục vụ cho bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn và phục vụ người bệnh.

 Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trí Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Ảnh: NVCC

Sinh viên được thực tập từ năm nhất

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập cho biết: Ngành Quản lý bệnh viện tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bắt đầu đào tạo từ năm 2023. Trường đã định hướng cho sinh viên được thực tập sớm từ học kỳ 1 năm thứ nhất và liên tục trong suốt khóa học. Điều này tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận sớm với môi trường nghề nghiệp, sau khi ra trường có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở y tế.

Ngay từ học kỳ 1 năm thứ nhất, sinh viên đã được học các học phần cốt lõi ngành và tham gia thực hành tại bệnh viện. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ công việc của cán bộ y tế, học hỏi kỹ năng giao tiếp, tư vấn truyền thông, giáo dục sức khỏe và tiếp cận người bệnh.

Sinh viên được hướng dẫn bởi các phó/trưởng phòng và chuyên viên tại các phòng chức năng, văn phòng khoa lâm sàng và cận lâm sàng trong bệnh viện. Họ sẽ giải đáp thắc mắc và giúp sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào công việc thực tế hàng ngày.

Các bạn sẽ rèn luyện kỹ năng quản lý hồ sơ bệnh án, thư ký y khoa, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ và tư vấn người bệnh, quản lý chất lượng và nhiều kỹ năng khác. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, phát huy tối đa năng lực nghề nghiệp, nghiên cứu và khởi nghiệp.

Trong mỗi môn học, sinh viên sẽ được học lý thuyết kết hợp thực hành tại các phòng/khoa trong bệnh viện như phòng Tổ chức cán bộ/Quản trị nhân sự, phòng Quản lý nghiệp vụ, phòng Quản lý chất lượng, phòng Hành chính quản trị, phòng Công tác xã hội, phòng Chăm sóc khách hàng, phòng Kế hoạch Tổng hợp, phòng Nghiên cứu khoa học, phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến, phòng Quản lý công nghệ thông tin, phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế, phòng Tài chính – Viện phí, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Dược và các văn phòng khoa lâm sàng.

 Sinh viên ngành Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mô phỏng thực hành tại bệnh viện. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mô phỏng thực hành tại bệnh viện. Ảnh: NTCC

Để học tốt ngành Quản lý bệnh viện, Trưởng khoa Quản lý Y tế chỉ ra rằng sinh viên cần có tình yêu nghề, đam mê và sự quan tâm chăm sóc người bệnh. Chính niềm đam mê này sẽ giúp các bạn khám phá ra nhiều điều mới mẻ và thú vị trong quá trình học tập và làm việc sau này. Khi sinh viên thực sự yêu thích công việc, họ sẽ không ngừng tìm tòi, học hỏi và nỗ lực phát triển bản thân.

Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, sự sáng tạo và tinh thần chủ động trong công việc sẽ giúp các bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới mẻ sẽ tạo ra sự khác biệt, giúp sinh viên không chỉ đạt được những vị trí nghề nghiệp cao hơn mà còn nhận được sự công nhận từ đồng nghiệp và cấp trên.

Nhận xét về sinh viên thực tập ngành Quản lý bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bày tỏ sự hài lòng về chất lượng nhân sự và đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

"Nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên thực hành tại bệnh viện với nền tảng kiến thức lý thuyết được đào tạo kỹ càng và sự chuẩn bị đầy đủ theo phương châm giáo dục của trường là 'Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp'.

Sinh viên trường có thái độ học tập tốt, luôn lắng nghe, chủ động học hỏi với tinh thần trách nhiệm và cầu tiến. Họ được đào tạo để trở thành những nhân viên y tế có trách nhiệm với người bệnh, sẵn sàng làm việc và phục vụ cộng đồng”, ông Phương chia sẻ.

Nhà trường hỗ trợ sinh viên mở rộng cơ hội việc làm

Vào tháng 5 hàng năm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đều tổ chức các ngày hội tuyển dụng, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp và bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo thầy Tập, đây là cơ hội để sinh viên khối ngành sức khỏe tiếp xúc với nhà tuyển dụng, từ đó học hỏi và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị cho công việc sau khi ra trường.

“Sinh viên được hướng dẫn cách học để đạt kỹ năng nghề cơ bản, trả lời phỏng vấn tuyển dụng tốt, và thực hiện công việc chuyên nghiệp, an toàn cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và uy tín của bệnh viện”, thầy Tập nói.

Bàn về cơ hội nghề nghiệp của ngành Quản lý bệnh viện, Trưởng khoa Quản lý Y tế cho hay, cử nhân ngành này có thể điều hành và phụ trách các trung tâm chăm sóc khách hàng, dịch vụ kinh tế y tế và quản trị tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, cơ quan nghiên cứu thuộc khối ngành sức khỏe; tổ chức và điều hành hội nghị, hội thảo khoa học, đàm phán với đối tác, lập kế hoạch hoạt động và phát triển đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị bệnh viện.

Sau một thời gian công tác, nhân sự ngành Quản trị bệnh viện có kinh nghiệm và năng lực sẽ được quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo các phòng chức năng.

Ngoài ra, sinh viên có thể khởi nghiệp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm tư vấn và chăm sóc khách hàng y tế.

 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đồng tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học "Quản trị bệnh viện" với Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đồng tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học "Quản trị bệnh viện" với Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: NTCC

Theo khảo sát, mức lương cho sinh viên tốt nghiệp ngành này khá phù hợp và ổn định, bắt đầu từ 8-12 triệu đồng chưa kể thu nhập ngoài lương và có thể cao hơn tùy theo năng lực nghề. Sinh viên sau khi ra trường thường bắt đầu làm việc từ vị trí chuyên viên hành chính tại các phòng/khoa trong bệnh viện. Sau hơn hai năm công tác và có kinh nghiệm, họ sẽ được cân nhắc bổ nhiệm ở nhiều vị trí cao hơn.

Ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Mỹ chia sẻ, vị trí công việc của các cử nhân chuyên ngành Quản trị bệnh viện, Thư ký Y khoa, Công tác xã hội bệnh viện rất quan trọng trong cơ cấu tổ chức bệnh viện.

Họ hỗ trợ và giải quyết các công việc hành chính, cung cấp đủ nguồn lực làm việc, giúp giảm bớt áp lực công việc cho y bác sĩ và điều dưỡng. Thu nhập của các vị trí này ổn định và nhận được mức đãi ngộ tốt, ngang bằng với các ngành khác. Mức thu nhập cao hay thấp còn phụ thuộc vào kỹ năng nghề, khả năng xử lý công việc và kinh nghiệm của từng cá nhân.

 Ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Ảnh: NVCC

Ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Mỹ. Ảnh: NVCC

Giám đốc Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Mỹ cũng nhấn mạnh, cử nhân tốt nghiệp những chuyên ngành này cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về quản trị, quản lý, điều hành, hành chính và tiêu chuẩn chất lượng. Các bạn cần chủ động học hỏi kỹ năng giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, làm việc nhóm để nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, nâng cao trình độ tiếng Anh để có cơ hội làm việc tại các bệnh viện quốc tế và hợp tác với đối tác nước ngoài.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sv-nganh-quan-ly-benh-vien-truong-dh-nguyen-tat-thanh-duoc-thuc-tap-tu-nam-nhat-post243792.gd