Bộ GD-ĐT hướng dẫn quy trình cho học sinh tiểu học vượt lớp
Đó là một trong số các nội dung của Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Cụ thể, ở Điều 35 của Thông tư về Quyền của học sinh, trong các quyền được học tập nêu rõ học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước, trước hết là cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Trưởng phòng GD-ĐT xem xét quyết định.
Còn học sinh có kết quả học tập còn hạn chế, đã được giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành, thì tùy theo mức độ chưa hoàn thành các nhiệm vụ học tập và rèn luyện mà giáo viên báo cáo hiệu trưởng xem xét quyết định lên lớp hoặc ở lại lớp. Đồng thời cùng với gia đình quyết định các biện pháp giáo dục phù hợp.
Học sinh cũng được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.
Học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở một trường tiểu học; được đảm bảo các điều kiện để học tập và rèn luyện; được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân.
Học sinh cũng được quyền học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban...
Học sinh còn được tham gia các hoạt động phát huy khả năng của cá nhân; đặc biệt được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân.
Về phía giáo viên, Điều 27 của Thông tư cũng nêu rõ giáo viên chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách.
Giáo viên phải xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ với học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020.