Bộ GD&ĐT: Một năm khó khăn nhưng giáo dục không bị 'đứt gãy'

Ngành giáo dục đã trải qua một năm đầy biến động nhưng các hoạt động giáo dục của chúng ta đã không bị ngưng trệ, không đứt gãy như các nước khác trên thế giới.

Ngày 8-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam, cho biết năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COIVD-19 và thiên tai, lũ lụt, nhưng dưới sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020 khi đảm bảo các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ; không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải.

Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch… Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 được tổ chức thành công.

Một trong những kết quả nổi bật khác là chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS được duy trì và nâng cao. Năm 2020, toàn ngành Giáo dục đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình Quốc hội quy định.

Cũng trong năm nay, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đoàn học sinh Việt Nam vẫn tham dự Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế theo hình thức trực tuyến và đạt thành tích đặc biệt xuất sắc.

Tự chủ đại học trong năm qua cũng được đẩy mạnh, tạo đột phá về quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, là kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT năm vừa qua.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, năm 2020 công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT vẫn còn những hạn chế khi để xảy ra một số tiêu cực, bất cập ở các cấp học. Còn khó khăn, bất cập liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020. ẢNH: MOET

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020. ẢNH: MOET

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm cho năm tới; trong đó, đồng thuận khẳng định, năm 2020, Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục đã nỗ lực, quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm và đạt nhiều thành quả tích cực, dù phải đối mặt với liên tiếp thách thức, khó khăn do dịch COVID-19 và bão lũ gây ra.

Năm 2021, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GDĐT. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, đúng lộ trình.

Tiếp tục khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm như công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo...

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 1 lần nữa khẳng định lại thành quả ngành giáo dục đã đạt được trong năm 2020 như Chánh văn phòng vừa báo cáo.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 3 trục nhiệm vụ quan trọng sẽ được tập trung thực hiện hiệu quả là: triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; tăng cường tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên và đảm bảo an toàn trường học.

Qua đó, bộ trưởng yêu cầu các đơn vị từ cấp Bộ, cấp Sở GD&ĐT đến từng cơ sở giáo dục đại học, phổ thông, mầm non năm mới phải đổi mới công tác quản trị, tăng cường tự chủ để từng tập thể, cá nhân được phát huy tốt nhất năng lực, trách nhiệm, đóng góp chung cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gddt-mot-nam-kho-khan-nhung-giao-duc-khong-bi-dut-gay-960628.html