Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố phương án thi, tuyển sinh giai đoạn 2021-2025
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III năm 2020 chiều nay (30/9), ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết: Bộ GD&ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi, tuyển sinh giai đoạn 2021-2025.
Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015-2020) cho thấy, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội
Các hình thức tuyển sinh ĐH, CĐ được đa dạng hóa. Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có sự chuyển biến tích cực trong tự chủ tuyển sinh, trong đó ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương thức xét tuyển theo tiếp cận quốc tế, như sử dụng các chứng chỉ chuẩn quốc tế, kết quả bài thi đánh giá năng lực... Tỷ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT giảm đi.
Từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Ông Trần Quang Nam cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.
Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới.
Vừa qua Bộ đã báo cáo Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên Hội đồng. Bộ đang hoàn để báo cáo Chính phủ thông qua.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức kỳ thi vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương, vừa đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 9-10/8/2020, đợt 2 từ ngày 3-4/9/2020.
Kỳ thi được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm triển khai kỳ thi của các địa phương, cơ sở giáo dục; nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tổ chức thành công, đáp ứng được mục tiêu kép: vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng.
Đề thi của 2 đợt thi đảm bảo mức độ tương đồng. Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Phổ điểm từng môn thi (theo đợt thi và địa phương) và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích chi tiết và thông tin công khai.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ, kết quả đối sánh được công bố ngay sau khi có kết quả thi đợt 1 cho thấy điểm thi và điểm học bạ của các địa phương cơ bản “tuyến tính” với nhau.
Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%); tỷ lệ có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.
Năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng ĐKXT là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.
Năm 2020 ghi nhận nỗ lực tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, với nhiều phương thức xét tuyển ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, tuyển thẳng theo đề án của trường; sự chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai công tác tuyển sinh, đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động theo quy định của văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tiến hành tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra về công tác tuyển sinh của các trường.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Bộ đã xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 16,5- 18,5 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2019). Ở nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 19-22 điểm (tăng 1 điểm so với năm 2019). Cơ bản “điểm sàn” năm nay cao hơn năm ngoái.