Bộ GD-ĐT trả lời kiến nghị của cử tri rất chung chung
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành đã trách nhiệm hơn trong việc trả lời kiến nghị của cử tri, tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn trả lời rất chung chung, không đủ thông tin.
Sáng 21-10, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đến nay, đã có 2.211/ 2.224 kiến nghị được giải quyết hoặc trả lời, đạt đạt 99,42%.
Nhìn chung các Bộ, ngành, cơ quan đều rất nghiêm túc, tích cực giải quyết, trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh. Qua giải quyết khiếu nại của cử tri, nhiều yêu cầu cấp thiết của người dân được giải quyết kịp thời, một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến.
Chẳng hạn, trước khiếu nại của cử tri về tình trạng “tham nhũng vặt”, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo để chấn chỉnh. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, như: triển khai lắp đặt ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các điểm tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp (TP. Đà Nẵng); hay Bộ Tài chính chuyển đổi vị trí công tác gần 5.700 công chức thuế, hải quan…
Dù vậy, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, mặc dù các bộ, ngành đã tích cực, trách nhiệm trong việc trả lời các kiến nghị cử tri, tuy nhiên vẫn còn có văn bản trả lời chưa rõ, chỉ trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cụ thể mà cử tri nêu, nên cử tri tiếp tục kiến nghị.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thanh Hải, một số kiến nghị cử tri liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, nhưng các ngành trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể.
“Chẳng hạn, cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Trả lời Bộ nêu: Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi; Công tác quán triệt quy chế thi; Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục để tổ chức tốt kỳ thi 2019” – bà Hải dẫn chứng.
Báo cáo còn chỉ ra, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết.
Cùng đó, một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật. Một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị...