Ông Phạm Văn Biển là thạc sĩ quản trị kinh doanh và cũng từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế. Trước khi về làm vườn, ông Biển đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Viễn thông Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).
Ông Biển cho biết, đầu năm 2022, vì nhà neo đơn nên ông quyết định từ bỏ chức vụ giám đốc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng để dành nhiều thời gian hơn chăm sóc cha mẹ già và gia đình.
"Trước đó, tôi đã có ý định trồng rau theo hình thức thủy canh, nhưng vì quá bận với công việc nên không thể thực hiện được. Để có thể theo nghề trồng rau này, ngoài việc học hỏi từ các chuyên gia, những hộ đã từng làm thì việc tự tìm tòi, nghiên cứu là điều cần thiết. Qua 2, 3 vụ trồng, có kinh nghiệm và đầu ra ổn định, tôi thấy hình thức trồng này khá hiệu quả", ông Biển bộc bạch.
Trồng rau thủy canh theo hướng công nghệ cao nên việc đầu tư ban đầu cũng khá tốn kém, nhưng đổi lại việc chăm sóc rau rất nhẹ nhàng.
Khuôn viên mô hình trồng rau thủy canh của ông Phạm Văn Biển có vị trí tại ấp 2, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau.
Hiện tại, trong khuôn viên vườn ông gieo trồng hơn 15 loại rau ăn lá, với lượng tiêu thụ ổn định cùng mức giá bán khá cao nên hàng tháng, vườn rau của ông Biển thu về gần 80 triệu đồng.
Theo ông Biển, đặc điểm khí hậu vùng Cà Mau mưa nhiều, nắng gắt, đất đai thường xuyên bị ngập úng, nhiễm phèn mặn, thiếu dinh dưỡng nên trồng rau có mái che, nhà kính, làm giàn lên cao sẽ hạn chế được những khó khăn gặp phải.
Sau khi ươm giống khoảng 10 ngày, ông Biển cho cây con lên giàn trồng, chăm sóc thêm một khoảng thời gian nhất định rồi thu hoạch. Các loại rau sau khi thu hoạch sẽ được đóng gói bán cho siêu thị, các bạn hàng tại chợ đầu mối phường 7, 2 (thành phố Cà Mau) với giá từ 27.000 đến 45.000 đồng/kg.
Tân Lộc