'Bố già AI' và 'ông trùm mạng Hopfield' vừa trở thành chủ nhân giải Nobel Vật lý 2024: Cặp đôi hoàn hảo đưa nhau vào lịch sử

Chiều 8/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2024.

Hai nhà khoa học người Mỹ và Canada được trao giải Nobel Vật lý 2024. (Nguồn: Nobel Prize)

Hai nhà khoa học người Mỹ và Canada được trao giải Nobel Vật lý 2024. (Nguồn: Nobel Prize)

Hai nhà khoa học John Joseph Hopfield (người Mỹ, làm việc tại Đại học Princeton, New Jersey, Mỹ) và Geoffrey Everest Hinton (người Canada gốc Anh, làm việc tại Đại học Toronto của Canada) trở thành đồng sở hữu của giải Nobel Vật lý 2024 nhờ những khám phá và phát minh cơ bản cho phép học máy sử dụng mạng lưới thần kinh nhân tạo.

Hai nhà khoa học trên bắt đầu hợp tác từ năm 1980, đã sử dụng các công cụ vật lý để tìm ra các mô hình trong thông tin, xây dựng phương pháp giúp đặt nền tảng cho học máy mạnh mẽ ngày nay. Học máy dựa trên mạng lưới thần kinh nhân tạo đang cách mạng hóa khoa học, kỹ thuật và cuộc sống hằng ngày.

Theo Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm, học máy từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với nghiên cứu, bao gồm việc phân loại và phân tích khối lượng lớn dữ liệu.

Những người sáng lập...

Nhà khoa học Joseph Hopfield, người Mỹ, 91 tuổi, được biết đến rộng rãi với nghiên cứu về mạng thần kinh nhân tạo liên kết vào năm 1982. (Nguồn: Princeton University)

Nhà khoa học Joseph Hopfield, người Mỹ, 91 tuổi, được biết đến rộng rãi với nghiên cứu về mạng thần kinh nhân tạo liên kết vào năm 1982. (Nguồn: Princeton University)

Nhà khoa học Joseph Hopfield (91 tuổi) được biết đến rộng rãi với nghiên cứu về mạng thần kinh nhân tạo liên kết vào năm 1982, sau này được gọi là mạng lưới Hopfield. Ngày 8/10, vừa về nhà sau khi cùng vợ đi tiêm vaccine, ông Hopfield ngạc nhiên khi nhận được "một đống thư" và cảm thấy "ấm lòng" về tin báo giải Nobel.

Nhà khoa học Geoffrey Everest Hinton (77 tuổi) nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu về mạng lưới thần kinh nhân tạo và phát triển máy Boltzmann - một công cụ mạnh mẽ cho phép nhận diện các đặc trưng trong dữ liệu, nhờ vậy, ông được mệnh danh là "Bố già (trí tuệ nhân tạo) AI" hay "cha đỡ đầu AI".

Gemini, chatbot AI do Google phát triển, đánh giá về ông Hinton rằng: "Ông được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất lịch sử AI - một nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã góp phần định hình tương lai của AI".

Giải Nobel Vật lý 2024 thực sự xứng đáng vì những đóng góp của công trình này "đã thay đổi cơ bản thế giới".

Đáng chú ý, ông Hinton sinh ra và lớn lên trong "cái nôi" của khoa học khi những người thân trong gia đình gồm cụ, bố và các chị em họ đều là những học giả và nhà khoa học được kính trọng. Mẹ ông thậm chí nhắc nhở con rằng: "Trở thành học giả hoặc là kẻ thất bại!"

Ông Hinton nhận tin về giải thưởng qua một cuộc điện thoại từ "những người nói giọng đặc sệt Thụy Điển", khi ông đang ở một khách sạn tại California (Mỹ) cùng vợ, nơi không có kết nối internet, kết nối điện thoại "phập phù" và ông chuẩn bị trải qua một buổi chụp cộng hưởng từ để đánh giá tình trạng sức khỏe.

Ông thậm chí cảm thấy băn khoăn liệu đây có phải cuộc gọi lừa đảo hay không.

...thay đổi căn bản thế giới

Giới khoa học đánh giá cao về giải Nobel Vật lý năm nay. Chủ tịch Ủy ban Nobel về Vật lý Ellen Moons cho biết: “Công trình của hai nhà khoa học đã mở ra những ứng dụng mới trong vật lý, đặc biệt là trong việc phát triển các vật liệu mới với các đặc tính mong muốn nhờ vào mạng lưới thần kinh nhân tạo”.

Chủ tịch Đại học Princeton Christopher L. Eisgrube, nơi ông Hopfield làm việc, khẳng định: “Sự nghiệp khoa học xuất sắc của John Hopfield đã vượt qua ranh giới của các ngành học thông thường, cho phép ông có những đóng góp lâu dài cho vật lý, hóa học, khoa học thần kinh và sinh học phân tử”.

Ông L. Eisgrube đánh giá, nghiên cứu mang tính đột phá vừa được vinh danh là "minh họa một cách tuyệt đẹp cho sức mạnh của sự tò mò thúc đẩy nghiên cứu để mở rộng ranh giới kiến thức và tạo ra các công cụ mới để giải quyết một số thách thức sâu sắc nhất của thế giới”.

Trong khi đó, bà Mala Murthy, Gám đốc Viện thần kinh học Princeton trực thuộc Đại học Princeton nói: “John Hopfield là một nhân vật sáng lập trong việc tạo ra khoa học thần kinh tại Princeton. Mạng lưới Hopfield lấy cảm hứng từ bộ não và cho phép máy móc lưu trữ ký ức và nhớ lại chúng chỉ với một phần thông tin".

Theo bà, công trình của ông Hopfield "đã mở đường cho cuộc cách mạng học sâu, hiện đã tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của xã hội”.

Chủ tịch Khoa Sinh học phân tử của Đại học Princeton Bonnie Bassler cho rằng, giải Nobel Vật lý 2024 thực sự xứng đáng vì những đóng góp của công trình này "đã thay đổi cơ bản thế giới", với những ứng dụng thường xuyên vào đời sống, như điện thoại thông minh và xe tự lái.

Lo lắng vì sự trỗi dậy của AI

Nhà khoa học người Canada Geoffrey Everest Hinton, còn được gọi là 'bố già AI'. (Nguồn: The New York Times)

Nhà khoa học người Canada Geoffrey Everest Hinton, còn được gọi là 'bố già AI'. (Nguồn: The New York Times)

Khi ông được hỏi về tiềm năng của công nghệ mà mình góp phần phát triển, nhà khoa học người Canada Geoffrey Everest Hinton cho biết, "AI sẽ có ảnh hưởng to lớn".

Ông nói rõ: "Nó có thể so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng thay vì vượt trội hơn con người về thể chất, nó sẽ vượt về khả năng trí tuệ. Chúng ta không có kinh nghiệm về chuyện sẽ xảy ra khi có những thứ thông minh hơn con người".

Dự đoán rằng AI có thể sẽ cách mạng hóa những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, dẫn đến năng suất tăng đáng kể, ông đồng thời cảnh báo "nên lo lắng về những hậu quả xấu có khả năng xảy ra, đặc biệt là nguy cơ chúng vượt khỏi tầm kiểm soát", thậm chí cuối cùng chúng "sẽ nắm quyền kiểm soát".

Theo "cha đỡ đầu của AI", thế giới hiện đang ở ngã rẽ của lịch sử và trong vài năm tới, "chúng ta cần tìm ra cách để đối phó với mối đe dọa đó", về việc làm thế nào để có thể kiểm soát AI.

Kể từ năm 1901 đến nay, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao 117 giải Nobel Vật lý. Người trẻ nhất nhận được giải thưởng danh giá này khi mới 25 tuổi là nhà khoa học người Australia William Lawrence Bragg (năm 1915). Người cao tuổi nhất được vinh danh là nhà khoa học người Mỹ Arthur Ashkin (năm 2018) khi ông 96 tuổi.

Nobel Vật lý là giải thưởng thứ hai được công bố trong mùa giải năm 2024.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-gia-ai-va-ong-trum-mang-hopfield-vua-tro-thanh-chu-nhan-giai-nobel-vat-ly-2024-cap-doi-hoan-hao-dua-nhau-vao-lich-su-289366.html