Bỏ giá sàn, giữ giá trần vé máy bay nội địa

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ là giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Thảo luận về Luật Giá (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Việc này nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng XII.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

“Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế, việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không”, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho rằng, cần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH)

Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH)

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ là giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách giải thích, trên cơ sở tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh, nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh, vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

Về tác động thực tế, thực chất việc bỏ giá sàn không gây tác động đến các doanh nghiệp hàng không do trong các năm qua, giá sàn trong khung giá được quy định bằng 0 (khoản 2 Điều 3 Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT) của Bộ Giao thông Vận tải.

Về tác động đối với thu ngân sách nhà nước, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động; từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, theo đó tăng thu ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng giải thích 4 lý do giữ quy định giá trần vé máy bay. Theo đó, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật thì dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, là: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ này là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến sản xuất - kinh doanh.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất - kinh doanh, tác động đến xã hội.

Cần phân định rõ vướng mắc do tổ chức thực hiện hay do pháp luật. Theo quy định hiện hành, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thẩm quyền điều chỉnh khung giá đã được giao cho Chính phủ. Nếu khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của Luật.

Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh. Thời gian qua, nhiều hãng hàng không thua lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

“Việc bỏ quy định về giá trần là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-gia-san-giu-gia-tran-ve-may-bay-noi-dia-156249.html