UNDP: Ba đề xuất phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam

Theo Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm đạt mục tiêu về khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Chiều ngày 8/7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UNDP tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Tại sự kiện, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, ông Tiến nói.

Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Để góp phần đạt mục tiêu này, trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tập trung đại gia súc, thủy sản phát triển nuôi trồng, lúa gạo có đề án một triệu ha...

Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế, sự phối hợp tích cực của các bên để cùng chung tay hỗ trợ ngành nông nghiệp triển khai 10 mục tiêu, 6 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn.

Những mục tiêu này được đề cập tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía UNDP, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cuộc đối thoại hôm nay là minh chứng cho cam kết của Việt Nam về chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới khả năng cạnh tranh.

“Điều này không chỉ hỗ trợ tái tạo hệ sinh thái tự nhiên mà còn mang lại cải thiện rõ rệt về cơ hội sinh kế cho người dân,” bà Ramla Khalidi nhận định.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT, hiện nay ở Việt Nam, một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang phát triển hiệu quả như mô hình vườn – ao – chuồng; lúa – tôm, lúa – cá; trồng lúa – trồng nấm – sản xuất sản phẩm hữu cơ – trồng cây ăn quả; chăn nuôi 4F; vòng tuần hoàn xanh trong trang trại bò; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước....

Dù vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ví dụ như nhận thức về sự cần thiết chuyển đối sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn mơ hồ; tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp; khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học và công nghệ ở Việt Nam chưa được phổ biến, chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp... Sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu và chưa hình thành được hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.

Nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến, đầu tư khoa học công nghệ/nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn chưa quan tâm phát triển.

Ba tác động lớn mà kinh tế tuần hoàn mang lại cho nông nghiệp Việt Nam

Bà Ramla Khalidi cho rằng, kinh tế tuần hoàn có tác động lớn trong lĩnh vực nông nghiệp khi mang lại nhiều lợi ích, bao gồm đạt mục tiêu khí hậu, tăng năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Theo đó, đối với khí hậu, sản xuất lúa gạo hiện nay chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và chiếm 75% trong lượng phát thải khí metan quốc gia. Mức phát thải cao này có thể được giải thích do sử dụng nhiều hoạt động về tưới tiêu, sử dụng phân bón, năng lượng không hiệu quả, quản lý kém...

Với quy mô và tầm quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, bao gồm tác động tới môi trường, đóng góp vào phát thải khí nhà kính và tính dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu thì việc tận dụng tiềm năng các mô hình tuần hoàn trên quy mô lớn sẽ vô cùng ý nghĩa, theo bà Ramla Khalidi.

Nông nghiệp tuần hoàn cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tại Việt Nam. Cụ thể, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, an ninh lương thực và sinh kế của người dân Việt Nam. Giá trị gia tăng trong nền kinh tế từ nông lâm thủy sản đã có mức tăng trưởng ấn tượng với 3,36% trong năm 2022 – là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 53 tỷ USD.

“Đánh giá ban đầu của chúng tôi cho thấy tổng lượng phụ phẩm hay phế phẩm nông nghiệp từ sản xuất lương thực, cây công nghiệp ở Việt Nam ước tính 95 – 98 triệu tấn/năm. Trong đó, 52 triệu tấn rơm rạ, trấu từ sản xuất lúa gạo. Điều này có nghĩa chúng ta có tiềm năng lớn cho việc thu hồi tài nguyên trong quá trình sản xuất lúa gạo, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng sinh khối, phát triển nhiên liệu sinh học và phân bón hữu cơ,” bà Ramla Khalidi nói.

Bà Ramla Khalidi cho rằng, thực tế, việc kết hợp phụ phẩm trong trồng trọt với chất thải chăn nuôi có thể tạo ra hơn 85 triệu tấn chất lỏng phân bón hữu cơ trong đất.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra gần 72 triệu tấn chất thải rắn và hơn 76 triệu tấn chất thải lỏng mỗi năm. Nếu không xử lý lượng chất thải này thì sẽ có tác động đáng kể đến nước và đất, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Việc đốt chất thải và phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong mùa thu hoạch góp phần làm suy giảm không khí ở địa phương, gây tác động đến sức khỏe của con người, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, người già.

Bà Ramla Khalidi cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tại Việt Nam. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Việc tăng cường thu hồi chất thải nông nghiệp, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trở thành tài nguyên sẽ góp phần tái sử dụng vào sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng. Đồng thời tăng cường khả năng phục hồi chống chịu của hệ thống lương thực thực phẩm trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu. Thực hành tuần hoàn cũng sẽ giúp cải thiện sức mạnh của hệ sinh thái bằng cách phục hồi đất từ việc hạn chế rò rỉ phân bón tổng hợp vào đường nước.

Hợp tác để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam

Tại sự kiện, bà Ramla Khalidi đưa ra 3 đề xuất trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Theo UNDP, cần hợp lý hóa sự hợp tác với các đối tác ưu tiên. Đánh giá và phổ biến các thực hành tuần hoàn có tiềm năng mạnh, mang lại lợi ích về khí hậu và môi trường. Tăng cường hợp tác để xây dựng thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, biến rác thải thành của cải.

Bên cạnh đó, các bên liên quan đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho các sản phẩm tuần hoàn. Từ phía nguồn cung, dựa trên khoa học và công nghệ, các thí điểm thành công để thiết kế hệ thống canh tác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Điều này bao gồm sự tham gia của tất cả các bên, trong quá trình chế biến, vận chuyển, bán lẻ, tìm nguồn cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn,” bà Ramla Khalidi nhận định.

Từ phía cầu, các bên phải tận dụng chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức hiệu quả để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn xanh hơn.

Đặc biệt, UNDP khuyến nghị, cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận phương thức tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp vừa, nhỏ để hỗ trợ trong việc chuyển đổi tuần hoàn.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/undp-ba-de-xuat-phat-trien-nong-nghiep-tuan-hoan-tai-viet-nam-30962.html