'Bố già' và câu chuyện về sự hy sinh

Tác phẩm của Trấn Thành có lẽ không chỉ là một bài ca về tình cha, mà còn đem đến cho khán giả nhiều băn khoăn về tình yêu 'bất chấp' của bố mẹ liệu có hoàn toàn đúng đắn?

Xưa nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn tâm niệm rằng cố gắng hy sinh cuộc sống của chính mình để bảo bọc con mình, thậm chí bản thân có phải chịu tổn thương. Ông Ba Sang trong “Bố già” cũng là một người như vậy. Khi ông nhận thấy cậu con trai tên Quắn đang ngày càng lấn sâu vào một cuộc sống không có tương lai, ông đã ra sức ngăn cản cho dù chỉ nhận về mình phần thiệt thòi.

Những hành động của Ba Sang đối với Quắn lại vô tình khiến cho anh con trai trở nên bất hiếu. Anh không còn khả năng tự chịu trách nhiệm nữa mà luôn bị đặt dưới áp lực của bố cũng như những người họ hàng xung quanh. Vậy nên, việc hy sinh của "Bố già" ở đây chẳng những không “củng cố” được gì mà còn “hủy hoại” sức đề kháng của đứa con và xa hơn là cả cuộc đời phía trước của nó.

Nếu như, trong mối quan hệ cha con của Ba Sang và Quắn, sự hy sinh đã không làm tròn được bổn phận. Thì sang tình yêu giữa ông và cô Cẩm Lệ, việc hai người hy sinh cho nhau cũng không được mọi người hiểu đúng. Người phụ nữ mang nặng nghĩa tình với ông Ba đã không quản ngại danh phận hay điều tiếng để chăm sóc cho gia đình ông. Mặt khác Ba Sang lại hết lần này đến lần khác từ chối tình cảm của cô Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, không phải là ông Ba Sang không yêu cô mà chính vì thương nhiều nên ông không cho phép ông được nhận lời. Ông sợ sẽ có thêm một người nữa phải chịu đựng ông như lời nói của đứa con trai. Điều đó, đã làm lỡ đi một quãng thời gian đáng ra rất hạnh phúc giữa hai người mà thời gian đối với người phụ nữ là rất quý giá. Sự hy sinh ở đây đã vô tình trở thành con dao hai lưỡi.

Chuyện tình cả giữa ông Ba Sang và cô Cẩm Lệ cũng là sự hy sinh dành cho nhau.

Nói vậy không có nghĩa là “Bố già” không có những khoảng khắc hy sinh đẹp đẽ. Nhiều người xem sẽ không khỏi rung cảm trước cái quỳ gối của Quắn trước bà Hai Giàu dù trước đó anh đã có những ký ức không mấy vui vẻ với người cô này. Vậy mà vì cứu cha, một người đàn ông cá tính như Quắn đã hy sinh lòng tự trọng của bản thân trước người mà anh ghét nhất. Sự hy sinh đó há chẳng phải rất cao cả hay sao?

Có thể thấy, những hy sinh được đan cài rất khéo léo trong tác phẩm của Trấn Thành và dưới nhiều hệ quy chiếu khác nhau để người xem thấy cả mặt tốt đẹp và cả những "hệ lụy" của sự hai chữ hy sinh.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-gia-va-cau-chuyen-ve-su-hy-sinh-post123017.html