Bộ Giáo dục lý giải về việc không biên soạn sách giáo khoa phổ thông

Mặc dù Bộ đã xây dựng kế hoạch biên soạn một bố sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 cuốn nhưng cuối cùng đã không thành công do nhiều lý do.

Liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây Bộ đã xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12 gồm 137 đầu sách giáo khoa, sử dụng kinh phí vay ODA của Ngân hàng thế giới.

Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Việc Bộ GD&ĐT không biên soạn được sách giáo khoa là do nhiều nguyên nhân (ảnh minh họa - TL).

Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các Chương trình môn học đã được ban hành.

Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tháng 3/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng không tuyển chọn được do không đủ số lượng tác giả tham gia.

Nguyên nhân chính là do hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn SGK, tới thời điểm Bộ GD&ĐT tổ chức đấu thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu SGK lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa và sử dụng.

Ngày 26/2/2019, Bộ GD&ĐT tổ chức đấu thầu lần 2 để tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK và đã có đủ số lượng ứng viên tham gia dự thầu.

Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT tổ chức thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đều đưa ra yêu cầu về nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng SGK, điều này không phù hợp với quy định và dự toán của gói thầu (hợp đồng biên soạn SGK đối với mỗi môn tác giả được thanh toán một lần kinh phí với định mức theo quy định mà không trả nhuận bút hàng năm như Nhà xuất bản hợp đồng với các tác giả).

Ngoài ra, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với cá nhà xuất bản và đã hoàn thành bản mẫu SGK lớp 1.

Hiện nay, các nhà xuất bản đã nộp bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 để thẩm định trong năm 2020, đồng thời tiếp tục tổ chức bản thảo và hoàn thiện bản mẫu SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo đáp ứng lộ trình thực hiện CT, SGK mới.

Như vậy, việc Bộ GD&ĐT không tiếp tục tổ chức biên soạn một bộ SGK (sử dụng ngân sách nhà nước) vẫn đảm bảo có đủ SGK triển khai chương trình GDPT mới;

Đồng thời sẽ thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẵng giữa các nhà xuất bản.

Căn cứ và tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.

Ngày 19/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 đã xác định: Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước ở môn học đó.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-giao-duc-ly-giai-ve-viec-khong-bien-soan-sach-giao-khoa-pho-thong-post103777.html