Bộ Giáo dục nên bỏ yêu cầu minh chứng 'đạo đức nhà giáo'

Để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên thì nên lược bỏ phần minh chứng 'đạo đức nhà giáo' để tập trung đánh giá có trọng tâm vào các tiêu chí khác.

Ngày 11/6/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021.

Trong Công văn này, Bộ đã nêu rõ: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn cho đến khi có quy định mới ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019”.

Tuy nhiên, đến ngày 28/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn số 3556/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn, năm học 2020-2021.

Các trường vẫn tiếp tục được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp và tải minh chứng lên hệ thống TEMIS (Ảnh: Thanh An)

Các trường vẫn tiếp tục được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp và tải minh chứng lên hệ thống TEMIS (Ảnh: Thanh An)

Công văn này nêu rõ: Nhằm bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ dựa trên kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng, Bộ yêu cầu:

“1. Tiếp tục triển khai công tác đánh giá theo Chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và nhập kết quả đánh giá lên hệ thống TEMIS (đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).

2. Tạm dừng việc đánh giá theo Chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 đến khi có quy định mới được ban hành”.

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn tạm ngưng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, thì trong năm học mới 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu tiếp tục đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cập nhật minh chứng lên phần mềm trực tuyến.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng, việc tìm minh chứng chuyên môn nghiệp vụ không quá khó khăn đối với các thầy cô, bởi minh chứng hiển thị qua công việc hàng ngày của họ.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng nên bỏ phần tìm minh chứng khi đánh giá chuẩn giáo viên (Ảnh: LT)

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng nên bỏ phần tìm minh chứng khi đánh giá chuẩn giáo viên (Ảnh: LT)

“Nếu lấy minh chứng của phẩm chất đạo đức, lối sống để cập nhật lên phần mềm trực tuyến thì sẽ rất là khó.

Vì thứ nhất, phẩm chất, đạo đức lối sống của các thầy cô đứng trên bục giảng là những người đã được đào tạo trong môi trường sư phạm và được giảng dạy rồi. Việc đánh giá người ta đạo đức chưa tốt sẽ có những cái phản tác dụng.

Thứ hai, việc đi tìm minh chứng từ các nguồn phụ huynh học sinh hay học sinh thì cũng có thể được nhưng sẽ khó.

Thực tế ở mỗi nhà trường, để phụ huynh học sinh và học sinh đánh giá giáo viên hay góp ý, nhận xét về thầy cô cũng chưa được nhiều.

Dẫn tới việc để tìm được những minh chứng phù hợp, xác thật với thực tế là khó khăn.

Do đó, khi tiếp tục thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT để đánh giá chuẩn giáo viên thì nên lược bỏ phần minh chứng để tập trung đánh giá có trọng tâm vào các tiêu chí khác”, thầy Quý nói.

Cùng quan điểm với thầy Quý, cô giáo Nguyễn Kim Liên, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng mong muốn Bộ nên bỏ yêu cầu tìm minh chứng "đạo đức nhà giáo".

Bởi hiện nay, giáo viên có quá nhiều công việc chuyên môn phải làm, dẫn đến tình trạng có giáo viên tìm minh chứng cho có, cốt để hoàn thành xong việc.

"Việc giáo viên tải minh chứng lên hệ thống TEMIS xong không thấy ai kiểm tra nên không biết đúng hay sai.

Từ đó nhiều giáo viên làm chống đối cho xong bởi họ cảm thấy mất thời gian và vô bổ", cô giáo Liên chia sẻ.

Còn theo thầy giáo Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng (Hải Phòng), Bộ nên tập trung cao vào phiếu đánh giá phân loại viên chức, các kế hoạch liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, đánh giá đảng viên cuối năm, các giấy chứng nhận của nhà trường, phòng giáo dục, sở giáo dục.

Thầy Toản cũng cho rằng, việc thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cần cụ thể hơn, Bộ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn, tránh gây tình trạng Bộ hướng dẫn một đằng, giáo viên, cán bộ quản lý hiểu theo 1 nẻo.

Đồng thời, sau hướng dẫn, Bộ, Sở, Phòng phải có tập huấn cho các cán bộ quản lý, sau đó về trường, cán bộ quản lý tập huấn cho các giáo viên.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-giao-duc-nen-bo-yeu-cau-minh-chung-dao-duc-nha-giao-post221747.gd