Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có ý kiến chính thức về tác phẩm 'Chữ Việt Nam song song 4.0' gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định: 'Hiện nay, Chính phủ, Bộ GD&ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt'.

Tác phẩm "Chữ Việt Nam song song 4.0" gây "bão" dư luận

Trước đó, vào ngày 25/3, tác phẩm "Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG của Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tác giả Kiều Trường Lâm (Ảnh TL)

Bộ chữ này chỉ sử dụng 26 chữ cái La tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. "Chữ Việt Nam song song 4.0" có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần chữ Quốc Ngữ; Các chữ và vần chữ Việt nhanh; Ký hiệu dấu.

“Chữ Việt Nam song song 4.0” chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh như phụ âm đầu: “f thay cho ph”, “w thay ng-ngh”, ...; một số phụ âm cuối: “g thay ng”, “h thay nh”, “k thay ch”..., hay “uyêt thay bằng ydb”, “uyên thay bằng yly”, "ương thay bằng uzo", "ướng thay bằng uzx", "ường thay bằng uzk", "ưởng thay bằng uzv", "ượng thay bằng uzh"…

Về ký hiệu dấu, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ; trong đó “j thay dấu sắc”, “l thay dấu huyền”, “z thay dấu hỏi”, “s thay dấu ngã”, “r thay dấu nặng”.

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được viết theo bộ "Chữ Việt song song 4.0".

Theo tác giả Kiều Trường Lâm, bộ chữ viết này chỉ như một sự lựa chọn cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học, về ký tự công nghệ thông tin. Đây sẽ là thứ ngôn ngữ độc lập, có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ và ứng dụng để gõ trên Internet”.

Bài thơ Vội vàng được viết theo kiểu chữ Việt Nam song song 4.0

Nhóm tác giả lý giải, hiện nay giới trẻ thường nhắn tin không dấu, đôi khi gây ra những hiểu lầm tệ hại. “Chữ Việt Nam song song 4.0” sẽ khắc phục những nhược điểm gây hiểu lầm này và tạo ra sự thống nhất cho chữ không dấu. Ngoài ra khi áp dụng, đây sẽ là công cụ gõ nhanh, giúp tiết kiệm 25- 30% thời gian gõ chữ so với kiểu gõ telex hay bất kì kiểu gõ nào khác.

Đồng thời, ngay từ cái tên sản phẩm “Chữ Việt Nam song song 4.0” đã nói lên một phần mục tiêu là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối.

Gia Phương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-khong-co-chu-truong-thay-doi-chu-viet-tieng-viet-post76415.html