Bộ Giáo dục xem xét lại việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ: Chuyên gia chỉ ra 3 vấn đề cần lưu ý
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, việc dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đầu vào đại học mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, giúp giảm được thời gian, công sức của thí sinh. Tuy nhiên vẫn cần có những lưu ý.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức tại TPHCM, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho hay:
Năm qua công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn từng bước đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Điều này dẫn đến việc nhiều tổ chức, đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sau ngày 10/9/2022 khi chưa được Bộ phê duyệt, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Nhất là đối với học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.
Liên quan tới những tranh luận của dư luận về tuyển sinh đầu cấp có chứng chỉ ngoại ngữ, ông Chương cho biết trong Thông tư mới, Bộ sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế tuyển sinh đầu vào.
"Chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những cái chúng ta hội nhập thì không thể không có. Sắp tới, ta bàn thêm ưu tiên điểm này vào thay thế thi ở mức độ nào. Điều này thì chắc chắn trong thông tư mới sau đấy sẽ bàn thêm", ông Chương nói.
Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện các chứng chỉ này được dùng chủ yếu trong xét miễn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Cụ thể, Bộ GD&ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Tuy nhiên việc này gây tranh cãi vì chưa đảm bảo tính hợp lý, công bằng.
Lợi thì có lợi nhưng vẫn cần nhiều lưu ý
Nói về vấn đề tuyển sinh ĐH bằng chứng chỉ quốc tế, một thầy giáo luyện thi nổi tiếng cho rằng, đây là phải là tiêu chí quá vô lý. Vì vậy không cần dừng hay cấm, Bộ GD&ĐT chỉ cần giới hạn tỷ lệ xét tuyển bằng các phương thức có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ lại để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho mọi nhóm đối tượng, kể cả học sinh khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.
Cái cần phải ngăn chặn là những "biến tướng" phi lý, tràn lan liên quan tới chứng chỉ quốc tế như: Quy đổi IELTS thành giải thưởng Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, xét tuyển thẳng vào trường CLC/chuyên/chọn bằng IELTS đối với học sinh tiểu học, THCS... Những “méo mó” này dẫn tới việc cả xã hội đổ cả núi tiền vào học và thi IELTS từ… tiểu học, trong khi chính đơn vị tổ chức thi còn khuyến cáo là nó chỉ dành cho học sinh trung học 15-16 tuổi trở lên.
Bàn về vấn đề này, Chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, việc dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đầu vào đại học mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, giúp giảm được thời gian, công sức của thí sinh. Tuy nhiên cần lưu ý 2 điểm:
Thứ nhất, chứng chỉ tiếng Anh chỉ nên dùng thay cho điểm của môn tiếng Anh trong xét tuyển. Thứ hai, việc quy đổi điểm từ chứng chỉ quốc tế sang thang điểm Việt Nam cũng cần được tính toán thận trọng để tạo sự công bằng với tất cả các nhóm thí sinh, tránh việc một mức điểm thấp cũng tương đương điểm 10 của kỳ thi trong nước.
Ngoài ra, để tuyển sinh đại học, cần áp dụng theo thông lệ của các nền giáo dục cụ thể. Ví dụ, nếu theo giáo dục Anh, thì dùng điểm IGCSE và tổ hợp điểm A level. Nếu theo giáo dục Mỹ thì dùng điểm SAT và chứng chỉ AP. Rất hiếm đại học nào ở nước ngoài chỉ dùng một mình điểm IELTS đề xét tuyển đại học, dù mức điểm cao ở mức tuyệt đối hay gần tuyệt đối. Do vậy, việc dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tể cho tuyển sinh đại học phải dựa trên cơ sở khoa học và theo thông lệ thế giới.
"Thời gian qua, một số trường chỉ dùng duy nhất điểm IELTS để đặc cách tuyển thẳng thí sinh vào trường đại học có thể là dễ dãi, vì duy nhất điểm tiếng Anh không phản ánh mức độ sẵn sàng của sinh viên học đại học, cũng như đủ chính xác để dự báo mức độ thành công của sinh viên trong việc học đại học", ông Nguyên nói.