Bộ Giao thông đề nghị luật hóa 'xe máy phải bật đèn vào ban ngày', nhiều ý kiến không đồng tình
Bộ GTVT chính thức kiến nghị đưa vào luật quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn vào ban ngày khi tham gia giao thông.
Nắng nóng 45 độ C, xe máy có cần bật đèn cả ngày?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó, bổ sung nhiều quy định mới. Đáng chú ý là đề xuất xe máy phải bật đèn sáng suốt cả ngày.
Theo đó, tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có quy định: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất".
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - thành viên Ban soạn thảo cho biết, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Viên 1968 về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên.
"Trên thế giới, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ô tô, nên Công ước Viên quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ô tô phát hiện xe máy. Việt Nam đã tham gia Công ước này nên phải tuân theo quy định", ông Tùng thông tin.
Ông Tùng cũng cho biết, Ủy ban ATGT quốc gia trước đây từng đề xuất áp dụng quy định trên, song nhiều người dân phản ứng và cho rằng trong Luật chưa có, nên lần này ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
"Nhiều loại xe máy đời mới có đèn nhận diện thì người dân sử dụng đèn này, còn những xe đời cũ không có đèn nhận diện thì sử dụng đèn chiếu gần hoặc đèn hậu. Đây là đèn LED nên không tốn nhiên liệu như lo ngại. Việc này giúp người lái ô tô nhận biết xe máy khi đèn chiếu vào gương, giúp đảm bảo an toàn giao thông", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, quy định này nếu được áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn về thói quen sử dụng đèn xe của người tham gia giao thông ở Việt Nam. Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu người lái xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Bộ GTVT sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp
Người dân vẫn băn khoăn về quy định yêu cầu xe máy phải bật đèn sáng cả ban ngày dù Bộ GTVT dẫn chứng nhiều nước châu Âu có quy định này, cũng như phù hợp với Công ước Viên mà Việt Nam tham gia.
Bởi, Việt Nam có khí hậu khác biệt, nắng nóng gần như xuất hiện quanh năm. Đặc biệt những tháng Hè tại miền Bắc và miền Trung nền nhiệt ngoài trời lên tới 45 độ C, nắng nóng gay gắt trong khi lượng xe máy ở Việt Nam chiếm đa số, nếu tất cả số xe cùng tham gia giao thông này bật đèn sáng nữa thì khó có thể hình dung được.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, không phải quy định nào của các nước tiên tiến, các nước châu Âu thì Việt Nam cũng có thể bê nguyên về áp dụng trong nước, mà phải có chọn lọc.
“Mọi thứ so sánh đều là khập khiễng, quy định pháp luật cũng nên phải xem xét đến yếu tố địa hình, khí hậu cũng như phong tục tập quán của mỗi quốc gia. Việt Nam có khu vực miền Nam quanh năm nắng nóng, quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn sáng cả ngày là không cần thiết, thậm chí rất phản cảm”- chuyên gia Đặng Chí Nga bày tỏ.
Còn anh Trần Hoàng Lâm ở Yên Nghĩa, Hà Đông cho rằng, Bộ GTVT nên tiếp thu ý kiến của người dân, các chuyên gia về vấn đề này.
“Đề xuất yêu cầu xe máy phải bật đèn sáng cả ngày là không mới nhưng không được người dân ủng hộ vì không hợp với khí hậu Việt Nam. Nay Bộ GTVT vẫn cố đưa vào là cứng nhắc, không lắng nghe ý kiến nhân dân, những người chịu tác động trực tiếp của Luật GTĐB”- anh Lâm cho hay.
Trước việc dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều, nghiêng về việc không đồng tình với quy định sửa đổi này, đại diện Bộ GTVT nhìn nhận, việc bật đèn cả ngày không phải là không phù hợp với Việt Nam, nếu đứng trên mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, tăng nhận diện cho người khác khi lưu thông.
Khi tham gia giao thông trong dòng xe hỗn hợp, xe máy được coi là yếu thế hơn, nên cần đảm bảo nhận diện để đảm bảo an toàn cho người lái xe.
Song, quan điểm của ban soạn thảo là không cứng nhắc, việc nội hóa các quy định chung của quốc tế sẽ phải dựa trên cơ sở phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam. Ban soạn thảo sẽ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Hơn nữa, quá trình lấy ý kiến để điều chỉnh cũng là căn cứ để giải trình với quốc tế vì sao tham gia Công ước nhưng chỉ áp dụng một số quy định nhất định phù hợp với điều kiện Việt Nam.