Bộ Giao thông vận tải lên tiếng về 'Xe khách thành phố'

Những ngày qua dư luận không khỏi xôn xao về việc đổi tên xe buýt thành 'xe khách thành phố'. Tuy nhiên theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, song về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe buýt nội đô được xếp vào loại xe ô tô khách thành phố.

Tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, song xét về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe buýt nội đô được xếp vào loại xe ô tô khách thành phố

Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đã đưa ra khái niệm xe buýt được gọi là “xe khách thành phố” và ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thậm chí khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi về mục đích của việc đổi tên xe buýt sẽ đem đến hiệu quả gì? Tại sao lại phải đổi tên gọi?

Bác Toán (trú tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) là một người thường xuyên sử dụng xe buýt đi lại cho rằng, tên gọi xe buýt vốn gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam mấy chục năm nay từ khi loại hình phương tiện công cộng này xuất hiện. Việc đổi tên thành "xe khách thành phố" sẽ gây ra sự lạ lẫm với người dân và không gần gũi với thực tiễn.

Bạn Phạm Nhung (sinh viên trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng thường xuyên sử dụng phương tiện di chuyển là xe buýt cho biết, việc đổi tên phương tiện xe buýt thành "xe khách thành phố" là điều không cần thiết. Vì hành khách cần là xe tốt, đi lại đúng giờ, bảo đảm an toàn và thuận lợi khi di chuyển chứ tên gọi không cần thiết phải đổi đi đổi lại mà không mang lại tác dụng gì.

Không ít ý kiến cho rằng, đơn vị soạn thảo đang quá chú trọng vào vấn đề câu chữ mà quên đi nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách của mình mới là quan trọng nhất. Liệu rằng cố gắng đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố” có giúp loại hình vận tải công cộng này được tốt hơn trước hay không?

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng cho biết, cách hiểu vấn đề trên chưa thực sự chính xác, nhiều nhận định còn thiếu khách quan.

Theo đó, tại Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 có quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình. Trong đó, định nghĩa “Vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định”.

Tuy nhiên lại không quy định rõ về tiêu chuẩn loại hình phương tiện phù hợp để vận chuyển khách theo hình thức vận tải xe buýt mà chỉ được xác định tại các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Điều đó dẫn đến việc thiếu tính thống nhất và chặt chẽ, không đảm bảo nguyên lý: “Quy định kinh doanh vận tải có mối quan hệ cơ học với quy định về loại hình phương tiện phù hợp, tương ứng”.

Vì vậy tại Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi lần này, Bộ GTVT đưa ra đề xuất chỉ quy định các loại hình: kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới (nếu có).

Để định nghĩa rõ loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt, tại khoảng 6 Điều 60 Luật quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách gồm:

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh là việc sử dụng xe ô tô chở khách để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát và kết thúc tại bến xe khách.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đô thị là việc sử dụng xe ô tô khách thành phố để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát và kết thúc tại điểm đầu, điểm cuối nằm trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.

Như vậy, cụm từ “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đô thị” được xác định là một loại hình kinh doanh vận tải, không hề thay đổi so với trước đây. “Ô tô khách thành phố” là loại hình phương tiện được quy định cụ thể nhằm phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt.

Thuật ngữ “Ô tô khách thành phố” đã được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN6211:2003 năm 2003 về Phương tiện giao thông đường bộ - kiểu - thuật ngữ và định nghĩa. Trong đó, “Ô tô khách thành phố” được định nghĩa cụ thể tại khoản 3.1.2.2 mục 3. “Thuật ngữ và định nghĩa”.

Tại khoản 44 Điều 3 của dự thảo Luật GTĐB mới có quy định “Xe ô tô khách thành phố là xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 10 người trở lên, kể cả người lái; trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng; có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận, cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên.”

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư 90/2015/TT-BGTVT về ban hành QCVN 10:2015/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố.

Việc quy định rõ về quy chuẩn phương tiện cho loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt nhằm đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này không thay đổi mọi định nghĩa trước đây, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng khẳng định.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-giao-thong-van-tai-len-tieng-ve-xe-khach-thanh-pho-post100368.html