Bỏ giấy phép xây dựng, quy hoạch phải 'tròn vai'
Gỡ giấy phép xây dựng, nhưng không buông quản lý. Quy hoạch minh bạch, hậu kiểm chặt chẽ và số hóa dữ liệu là chìa khóa để bảo vệ quyền lợi người dân, ngăn lợi ích nhóm, đảm bảo công cuộc cải cách đi vào thực chất.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội chi nhánh số 01. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Bỏ giấy phép xây dựng song kỷ cương trong lĩnh vực này vẫn được tôn trọng, bảo đảm là đòi hỏi bức thiết không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn là yêu cầu cao về quản trị quốc gia về quy hoạch và xây dựng đặt ra đối với cơ quan quản lý chuyên ngành và các cấp chính quyền. Để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, hay kế hoạch, hoạt động của doanh nghiệp, cần có bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cắt giảm thủ tục, xóa tình trạng xin-cho, bỏ khâu tiền kiểm, từ đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư xây dựng là mục tiêu khi bỏ giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, vai trò quản lý của nhà nước cần thể hiện đầy đủ trong khâu hậu kiểm. Yêu cầu đặt ra là khâu hậu kiểm phải được thực hiện bài bản, trách nhiệm, kịp thời; không gây ra phiền toái, nhũng nhiễu; không tạo ra những “mảnh đất” cho lợi ích nhóm. Do đó cần chuẩn hóa, xây dựng quy trình, nguyên tắc, quy định cụ thể đối với công tác hậu kiểm.
Mặt khác, căn cứ để người dân, doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm của mình cần phải đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực hiện - đó chính là quy hoạch, thiết kế đô thị. Làm sao để người dân nhìn vào đồ án quy hoạch có thể biết được công trình xây dựng quy mô bao nhiêu tầng, chiều cao mỗi tầng, tỷ lệ đất xây dựng là bao nhiêu, khoảng lùi công trình thế nào… Và cũng trên bản quy hoạch đó, cơ quan hậu kiểm thực hiện đúng chức năng của mình.
Câu chuyện đã được nhiều nhà quy hoạch nhắc đến nhiều năm nay là cần phải có hệ thống dữ liệu để người dân, doanh nghiệp có thể “soi chiếu” tới từng bậc thềm, từng ô cửa… Nếu như còn có sự không rõ ràng, còn có quy định có thể hiểu thế này hoặc thế kia đều “không sai” đối với cùng một sự việc, một vị trí đất xây dựng công trình, thì hệ lụy là “làm khó” người dân, doanh nghiệp. Có thể còn khó hơn cả khi phải làm thủ tục xin phép xây dựng.
Cũng tương tự như việc thực hiện quy trình quản lý thuế điện tử đang được triển khai. Người kinh doanh nhỏ lẻ hạn chế về kiến thức, hiểu biết trong lĩnh vực thuế, điện tử, công nghệ và nguồn lực cũng rất hạn chế, dẫn đến loay hoay, khó khăn trong thực thi các quy định mới.
Trong lĩnh vực xây dựng, cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương cần ngồi lại với nhau để nhìn nhận trước những vấn đề có thể phát sinh, hoạch định phương thức vận hành, thực thi chính sách; các phương thức và quy trình hỗ trợ người dân có nhu cầu xây dựng công trình.
Hiện rất nhiều địa phương còn chưa có được hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh với tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị lại càng ít hơn. Ngay như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai đô thị đặc biệt đã nhiều năm tập trung triển khai công tác quy hoạch, nhưng vẫn chưa thể phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Thêm nữa, đó là câu chuyện “phạt cho tồn tại”. Không phải chỉ là “tảng băng ngầm” nhức nhối, là mặt trái trong cả một thời kỳ dài thực hiện “tiền kiểm”, vấn nạn này vốn đã được dư luận chỉ ra và phê phán lâu nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nếu không lường trước, không thay đổi từ gốc, thì dẫu có chuyển sang “hậu kiểm”, tệ nạn đó sẽ tiếp tục biến hình, biến tướng tinh vi hơn. Ở đây công tác cán bộ, trao quyền đi cùng giám sát cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đang được triển khai trên toàn quốc, phải được đặt lên hàng đầu.
Không vì khó mà lùi, nhưng cần lường trước những vấn đề phát sinh, hệ lụy. Mỗi chính sách mới, mỗi công cuộc cải cách đều cần phải có sự chuẩn bị, có phương pháp, nguồn lực và lộ trình. Thực hiện chủ trương bãi bỏ giấy phép xây dựng, trong thời gian tới, bên cạnh việc xác lập, phủ kín quy hoạch, xác lập các thiết kế đô thị, để quy hoạch thật sự “tròn vai”, các địa phương cần tập trung đầu tư số hóa dữ liệu quy hoạch.
Thành phố Hà Nội là địa phương sớm có chủ trương và kế hoạch triển khai việc số hóa dữ liệu quy hoạch. Đến năm 2026, 100% cơ sở dữ liệu hồ sơ Quy hoạch Thủ đô được thu thập, xây dựng trên nền tảng công nghệ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS hóa. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ hoàn thành đầu tư 100% các phần mềm, ứng dụng cho phép các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tra cứu thông tin.
Các địa phương cần đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Không chỉ có đủ cán bộ, mà cán bộ còn phải đủ năng lực để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, tra cứu dữ liệu quy hoạch, các quy định, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, để thực hiện cho đúng, đúng pháp luật và đúng với đạo đức công vụ: Vì nhân dân phục vụ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-giay-phep-xay-dung-quy-hoach-phai-tron-vai-post891789.html