Bộ GTVT: Chuyển đổi số giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí
Để người dân không phải đến tận nơi làm thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí, Bộ Giao thông Vận tải phải kết nối nhiều cơ sở dữ liệu và đẩy lên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Với những nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đạt kết quả là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp Dịch vụ Công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023.
Loại bớt giấy tờ, ngồi nhà nộp hồ sơ trực tuyến
Với lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm nay, cục thực hiện duy trì 66 Dịch vụ Công trực tuyến (41 Dịch vụ Công trực tuyến đạt mức độ 4 và 25 Dịch vụ Công một phần), trong đó tiêu biểu là việc mở rộng triển khai Dịch vụ Công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022.
Đến nay, ông Cường cho biết đã có 10.156 hồ sơ đăng ký; trong đó đã cấp gần 9.000 giấy phép lái xe, tiếp nhận trung bình 150 hồ sơ/ngày.
“Việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã góp phần đơn giản, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe. Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng,” Cục trưởng Cục Đường bộ đánh giá.
Theo ông Cường, Cục Đường bộ cũng đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu các lĩnh vực như quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; kiểm soát tải trọng xe; quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ...
“Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên làm nền tảng hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông và triển khai Dịch vụ Công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, chính xác, khách quan, hiện đại của hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước,” ông Cường nhấn mạnh.
Nếu như hơn 6 tháng trước, ùn tắc và quá đăng kiểm khiến nhiều chủ xe lo lắng “mất ăn, mất ngủ” để đi đăng kiểm, đến nay, với việc ứng dụng công nghệ và Chuyển đổi Số, lĩnh vực đăng kiểm đã hóa giải được bài toán này đồng thời “lột xác” tạo thuận lợi tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho người dân làm các thủ tục trên môi trường điện tử.
“Từ chỗ phải xếp hàng nộp hồ sơ, hiện tại, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm chỉ cần ngồi nhà thực hiện nhờ vào việc ứng dụng công nghệ trong đặt lịch hẹn kiểm định, cấp giấy xác nhận gia hạn kiểm định trực tuyến,” ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết hiện nay 97,5% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được giải quyết trực tuyến và ký số điện tử qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
“Việc nộp, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện hoàn toàn điện tử. Các giấy phép vào, rời cảng biển cũng được cấp điện tử và được chính quyền hàng hải của các nước trên thế giới công nhận. Đặc biệt, số hóa thủ tục hành chính không chỉ góp phần các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tàu nằm chờ mà còn giúp quá trình làm hàng tại cảng biển hiệu quả hơn, cơ sở hạ tầng cảng biển được tận dụng tối đa hơn,” đại diện Cục Hàng hải đánh giá.
Liên tục chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung
Khẳng định việc xây dựng Chính phủ điện tử được đặc biệt quan tâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Tùng cho biết việc triển khai xây dựng Chính phủ Điện tử và Chuyển đổi Số của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, về cung cấp Dịch vụ Công trực tuyến, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì cung cấp 291 Dịch vụ Công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận và xử lý 114.629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103.000 tài khoản sử dụng. So với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 8,6%.
Để người dân không phải đến tận nơi làm thủ tục, theo ông Tùng, Bộ Giao thông Vận tải phải kết nối nhiều cơ sở dữ liệu. Các cục, vụ phải tạo lập cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực và kết nối với Dịch vụ Công trực tuyến để hướng tới cung cấp Dịch vụ Công cho người dân từ khâu nộp hồ sơ, giải quyết các bước đều thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến.
“Hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải được thực hiện theo hướng làm đến đâu, chia sẻ đến đó và được kết nối với 7 bộ, 20 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi tháng chia sẻ 5-7 triệu dữ liệu cho các đơn vị,” ông Tùng thông tin.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ hoàn thành dữ liệu chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện ở cả 5 lĩnh vực và đến tháng 6/2024 hoàn thành dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông phải số hóa toàn bộ sao cho theo dõi được các công trình giao thông giống như lý lịch con người.
Về triển khai các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển Ứng dụng Dữ liệu về Dân cư, Định danh và Xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ông Tùng cho hay bộ đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID; thí điểm triển khai tài khoản định danh điện tử mức độ 2, ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi máy bay; mở rộng sử dụng thu phí không dừng tại các cảng hàng không, sân bay…/.