Bộ GTVT đề nghị gì với Đắk Nông trong quy hoạch sân bay Nhân Cơ?

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh quy hoạch sân bay Nhân Cơ trở thành sân bay lưỡng dụng với tính chất là sân bay chuyên dùng đạt tiêu chuẩn 3C

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông căn cứ các Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không để bổ sung trong căn cứ pháp lý, chỉ đạo rà soát, tổng hợp, xây dựng phương án quy hoạch phát triển các lĩnh vực giao thông, xác định các công trình đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.

“Để bảo đảm tính mở trong quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, bổ sung nội dung “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng chuyển sân bay Nhân Cơ thành cảng hàng không trong trường hợp đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cần bổ sung nội dung về căn cứ, mô hình dự báo sử dụng trong Quy hoạch để tính toán, đề xuất nhu cầu vận tải làm cơ sở đề xuất quy mô các tuyến đường trong báo cáo Quy hoạch.

Đối với lĩnh vực hàng không, để bảo đảm phù hợp với hồ sơ quy hoạch hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh nội dung “Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ trở thành sân bay lưỡng dụng đạt tiêu chuẩn 3C (quy mô dự kiến khoảng 200-250ha) theo hướng mở rộng sân bay Nhân Cơ hiện tại...” thành “Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ trở thành sân bay lưỡng dụng với tính chất là sân bay chuyên dùng đạt tiêu chuẩn 3C (quy mô dự kiến khoảng 200-250ha) theo hướng mở rộng sân bay Nhân Cơ hiện tại...”.

Cuối tháng 5, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng. Sân bay hiện có 1 đường băng dài hơn 800m, có thể tiếp nhận các máy bay chở khách loại nhỏ và máy bay trực thăng.

Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được, đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng; đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đây vẫn là điểm nghẽn đối với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.

Đến tháng 6 trong văn bản gửi tỉnh Đắk Nông, Bộ GTVT nêu kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng cách trung bình từ Đắk Nông tới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chỉ khoảng 80 - 90 km.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cũng được quy hoạch với 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030, bảo đảm khả năng kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương.

Tuy nhiên, trong trường hợp tỉnh Đắk Nông có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khai thác dân dụng, Bộ GTVT tỏ ý ủng tỉnh nghiên cứu, bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành.

Theo dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.

14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-gtvt-de-nghi-gi-voi-dak-nong-trong-quy-hoach-san-bay-nhan-co-188061.html