Bộ GTVT đề xuất giáo viên dạy lái ô tô trở lại 'chuẩn' phải có bằng trung cấp
Thay vì giữ nguyên đề xuất giáo viên dạy lái ô tô chỉ cần tốt nghiệp cấp ba, Bộ GTVT mới đây đã rút đề xuất này quay lại quy định hiện hành.
Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến dự thảo, sửa đổi Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe. Trong đó, bộ này bất ngờ dừng việc sửa đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe…
Theo đó, đầu tháng 9, Bộ GTVT phát văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo sửa đổi nghị định 65. Một trong nội dung đáng chú ý của dự thảo này là việc bộ đề xuất giáo viên dạy lái xe chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, thay vì phải có bằng trung cấp như hiện hành.
Thêm vào đó, giáo viên dạy lái xe phải có bằng lái xe tương đương hoặc cao hơn hạng xe đào tạo và có 50.000 km lái xe an toàn trở lên; Có chứng chỉ sư phạm dạy nghề, dạy trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.
Lý do điều chỉnh thời điểm đó được cơ quan soạn thảo nhận định là để “phù hợp với tình hình thực tiễn”. Bởi với tiêu chuẩn này không một giáo viên dạy lái xe nào đáp ứng được, vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia hiện nay không có ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ô tô.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất, Bộ GTVT đã bỏ quy định trên và quyết định giữ nguyên tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy lái xe theo quy định hiện hành. Nguyên nhân được bộ lý giải là “không muốn hạ tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành, nhằm đảm bảo chất lượng của đội ngũ này”.
Sáng 9/12, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tính với việc giữ nguyên quy định hiện nay.
Ông cho biết theo báo cáo từ chi hội đào tạo – sát hạch lái xe ô tô và qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở đào tạo lái xe, cho thấy 70% giáo viên dạy lái xe không có bằng trung cấp. Tức là họ đủ tiêu chuẩn theo quy định cũ, còn theo quy định 65 thì chưa đủ.
“Việc quy định giáo viên dạy lái xe phải có trình độ trung cấp dẫn tới hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe phải dừng tuyển sinh từ đầu năm đến nay, để chờ ban hành quy định mới…”, ông Quyền thông tin.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cũng nhấn mạnh, quy định với giáo viên dạy lái xe hiện nay chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, hầu như không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô.
“Bởi để chạy theo tiêu chuẩn trên, các cơ sở đào tạo lái xe đã cử học viên đi học tại một số trường trung cấp, nhưng lại không có liên quan gì tới đào tạo lái xe ô tô như: xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, điện dân dụng, hàn dân dụng… bằng nhiều hình thức như học trực tuyến, từ xa.”, ông Quyền cảnh báo.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe theo hướng: Có bằng trung cấp trở lên hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông. Các tiêu chuẩn khác giữ nguyên theo quy định hiện hành.
“Việc này phù hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp gây ách tắc, lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội, đồng thời không trái với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”, ông Quyền kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh), cho rằng dạy lái xe giống như truyền nghề, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mà không phụ thuộc vào bằng cấp của người dạy.
Vì thế, ông Nghĩa khẳng định việc giữ nguyên như quy định hiện hành không phù hợp với thực tiễn. Thêm vào đó, những người đã có trình độ văn hóa trung cấp thường không mặn mà với nghề dạy lái xe ô tô. Điều này dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên dạy thực hành lái xe, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.
Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép người công nhân có kỹ năng nghề cao, không tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được đi dạy. Ngoài ra, giáo viên dạy lái xe ngoài bằng cấp ba cần phải trải qua tập huấn, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Do đó, với các quy định này đã đảm bảo điều kiện giảng dạy của giáo viên dạy thực hành và đảm bảo tính chặt chẽ, không lo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì thế, ông Nghĩa kiến nghị nên giữ nguyên như dự thảo sửa đổi trước đây.