Bộ GTVT đề xuất nối lại đường bay giữa TP.HCM-Hà Nội từ ngày 10/10
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất với thành phố Hà Nội hai phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 10/10.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến sân bay Nội Bài.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: “Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hai phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ 10/10."
Cụ thể, phương án 1 sẽ tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều).
Phương án 2 chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh, với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.
Hành khách đi trên chuyến bay ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế tại điểm xuất ở phát và điểm đến theo quy định còn phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; trong đó mũi tiêm thứ hai phải trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là “Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.
Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 8318 sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của thành phố Hà Nội, đảm bảo yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung.
Đối với các địa phương khác, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương.
Tính đến ngày 6/10, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 16 tỉnh, thành phố về kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ.
Trong số này, có 7 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Cà Mau; 6 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn lại, 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch triển khai các thường lệ, trong đó đề xuất giai đoạn ban đầu mở lại dự kiến từ ngày 10/10 tới.
Các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa-Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Đặc biệt, các đường bay chỉ được mở sau khi có ý kiến đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, sân bay liên quan đến đường bay. Các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của các địa phương khác./.
Biểu đồ các vùng xanh, đỏ (tính đến 4/10/2021)
*Vùng xanh:
- 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.
- 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.
*Vùng nguy cơ, nguy cơ cao và vùng đỏ (có ca cộng đồng những ngày gần đây): 43 tỉnh, thành phố
-Miền Nam: 24 tỉnh, thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Trà Vinh
-Miền Bắc: 7 tỉnh, thành phố
Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa
-Miền Trung-Tây Nguyên: 12 tỉnh, thành phố
Quảng Bình, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.