Bộ GTVT đề xuất thêm phương án xe máy lắp đèn nhận diện

Theo dự kiến, dự luật giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Bộ GTVT vừa cho biết dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vừa qua nhận được rất nhiều ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia và người dân. Trong đó, quy định về đèn nhận diện xe máy nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Trên cơ sở đó, ban soạn thảo dự luật giao thông đề xuất thêm phương án quy định đèn nhận diện.

Cụ thể, phương án 1 là: “Mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất”.

Phương án 2 giống đề xuất trước đây, “trong suốt cả ngày, mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.

Như vậy, với phương án 1, các xe máy sản xuất mới phải gắn đèn nhận diện. Xe máy cũ không có đèn nhận diện sẽ không bắt buộc phải bật đèn khác thay thế. “Đèn nhận diện ở đây không phải là đèn pha, cốt của phương tiện. Đèn chiếu sáng được đề xuất là đèn position light hay gọi là đèn đờ mi… Đèn này sẽ phát sáng với ánh sáng phù hợp để nhận diện và tự động sáng khi khởi động phương tiện...” - Bộ GTVT lý giải.

Trước đó, Bộ GTVT cũng cho biết năm 2014, Việt Nam tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ và công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ. Theo đó, các thành viên phải thực hiện điều ước quốc tế, trong đó có quy định xe máy phải bật đèn nhận diện. Vì vậy, quan điểm xây dựng dự luật giao thông đường bộ phải nội luật hóa các luật chung này.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước áp dụng quy định nêu trên. Riêng khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, Lào, Campuchia... chưa áp dụng. Việc áp dụng phổ biến cho thấy giải pháp này có hiệu quả cao trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

“Quy định này sẽ là cơ sở để nhà sản xuất phương tiện trong và ngoài nước khi chế tạo, sản xuất phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam phải có đèn nhận diện gắn với phương tiện…” - Bộ GTVT cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện không phù hợp. Cơ quan chức năng nên khuyến cáo các phương tiện sử dụng đèn nhận diện trong điều kiện thời tiết có sương mù hoặc mưa to. Cũng theo ông Quyền, ở các nước phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô, xe máy dễ bị tổn thương nên cần bật đèn để người lái ô tô dễ nhận diện. “Nếu tất cả xe tham gia giao thông đều bật đèn nhận diện trong điều kiện thời tiết nhiệt đới sẽ gây nhiều tác dụng phụ, có thể khiến người đi ngược chiều chói mắt. Cạnh đó, việc bật đèn sẽ tiêu tốn nhiên liệu gây lãng phí và tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường” - ông Quyền nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia giao thông cho rằng bật đèn xe ban ngày sẽ giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%, vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa. Hiện đa số các loại xe nhập khẩu nổ máy đèn đã sáng.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc bật đèn nhận diện tỉ lệ tiêu hao nhiên liệu rất nhỏ, không đo lường được. Ngoài ra, theo công nghệ hiện đại, các nhà sản xuất ô tô, xe máy đều sử dụng loại bóng đèn tốt, không tiêu hao nhiên liệu và không ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ xe.

Theo dự kiến, dự luật giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-gtvt-de-xuat-them-phuong-an-xe-may-lap-den-nhan-dien-916503.html