Bộ GTVT đồng thuận dùng vốn địa phương cải tạo, nâng cấp QL31
Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị của tỉnh Bắc Giang về dùng vốn của tỉnh để cải tạo, nâng cấp QL31.
Khó về nguồn vốn
Bộ GTVT vừa có băn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sử dụng vốn ngân sách địa phương để đầu tư QL31 đoạn từ huyện Lục Nam đi huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020, QL31 từ Quán Thành (Bắc Giang) đến Bản Chắt (Lạng Sơn) dài 160 km hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, hai làn xe. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài trên 98 km.
Dự án đầu tư QL31 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang được chia làm hai đoạn. Đoạn từ thành phố Bắc Giang đi Chũ với chiều dài 36 km, đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với quy mô đường đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.
“Do việc đầu tư tuyến đường này thực hiện trên đường hiện hữu, không phù hợp với Nghị quyết 437/2017 của Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nên dự án đã dừng triển khai đầu tư”, Bộ GTVT cho biết.
Đoạn thứ hai là từ Chũ đi Sơn Động với chiều dài 57 km được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư năm 2009, quy mô đường cấp IV, 2 làn xe với tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng. Bộ GTVT đã đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nhưng do nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn nên dự án đã dừng triển khai.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương rà soát, xem xét lại cơ sở pháp lý về ủy quyền quản lý để có kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATGT, có phương án mở rộng, nâng cấp QL31 những đoạn xung yếu, cấp thiết. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa thể bố trí được nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện cải tạo, nâng cấp QL31 theo đề nghị của địa phương.
Hiện Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn qua tỉnh Bắc Giang, dự kiến đưa vào trong danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kiến nghị dùng vốn địa phương
Về đề xuất sử dụng vốn địa phương đầu tư QL31, Bộ GTVT cho biết, cuối năm 2019, UBND tỉnh Bắc Giang có kiến nghị về việc đầu tư cải tạo nâng cấp QL31 đoạn Km17+800 - Km38-600 thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, có chỉ rõ, qua nhiều năm qua tuyến QL31 không được đầu tư nâng cấp mở rộng, chất lượng nền mặt đường nhỏ xuống cấp, ảnh hưởng đi lại của nhân dân, đặc biệt là vào vụ thu hoạch vải Thiều huyện Lục Ngạn, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếm ẩn nguy cơ mất ATGT.
"UBND tỉnh Bắc Giang xác định đoạn Km17-800 - Km38+600 (Lục Nam đi Chũ) là đoạn khó khăn nhất, mật độ giao thông lớn nhưng mặt đường nhỏ, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đi lại và phát triển kinh tế nên đề xuất sử dụng ngân sách địa phương giai đoạn 2019 - 2022 để sớm đầu tư dự án dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua", Bộ GTVT cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách của địa phương hỗ trợ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn Km17+800 - Km38+600 do đây thực sự là doạn xung yếu và cấp bách nhất đối với tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, khi đó các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Bộ GTVT là cơ quan quản lý vốn ngân sách trung ương để bố trí đầu tư dự án và thực hiện Luật Ngân sách quy định về nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang không thể thực hiện dự án từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương.
Đến tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến QL31 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn Km17+800 - Km38+600 trong năm 2021, các đoạn còn lại tiếp tục đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025.
Theo Bộ GTVT, để chuẩn bị danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã giao các đơn vị thực hiện lập báo cáo chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong cả nước, trong đó có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến QL31 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thực tế nguồn vốn ngân sách nhà nước của Bộ GTVT hàng năm được giao rất hạn hẹp chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư dự án mới trong cả nước (do phải ưu tiên bố trí vốn cho các dự án sắp hoàn thành, dự án chuyển tiếp) nên khó có thể thực hiện đầu tư đoạn cấp bách ngay trong năm 2020-2021 theo đề nghị của tỉnh.
"Để đáp ứng nhu cầu giao thông khu vực trong điều kiện ngân sách trung ương chưa thể bố trí đầu tư, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang, giải quyết bức xúc của nhân dân, đặc biệt là vào mùa thu hoạch nông sản (vải, cam, bưởi,...) của huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của tỉnh ủy Bắc Giang về việc giao tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư 21km tuyến QL.31 đoạn từ huyện Lục Nam đi huyện Lục Ngạn bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh Bắc Giang", Bộ GTVT kiến nghị.
Cần chính sách chung cho cả nước
Cũng theo Bộ GTVT, thời gian qua, trong điều kiện vốn ngân sách trung ương bố trí cho Bộ GTVT hạn chế, không huy động đầu tư dự án theo hình thức BOT (thu phí trên đường đang khai thác), một số địa phương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách địa phương nên cần có chủ trương thống nhất của Chính phủ để các địa phương thực hiện đầu tư và đề xuất này phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiều địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư các tuyến cao tốc thuộc thẩm quyền quản lý đầu tư của Bộ GTVT như: tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng - Trà Lĩnh...mà về bản chất tương tự như việc các địa phương thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ.
“Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có chính sách chung”, Bộ GTVT cho biết.