Bộ GTVT được quyền triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Sau 10 năm Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 'nằm trên giấy', mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý duyệt và giao cho Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thực hiện triên khai lộ trình xây dựng dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ 1/1/2021) và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho phép Bộ GTVT sẽ là đơn vị được tiệp nhận thông tin liên quan đến việc triển khai từ các cơ quan có liên quan, rà soát, cập nhật nội dung Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi Dự án do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Cuối tháng 10/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao Bộ GTVT triển khai. Lý do là bởi phần vốn hỗ trợ của Nhà nước tại dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên đến 6.670 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của hai tỉnh.
Được biết, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng tàu báo cáo giai đoạn 1 với lộ trình có tổng chiều dài 53,7km, với tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5ha, chạy song song với tuyến quốc lộ 51.
Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc. Với điểm đầu nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng theo báo cáo về tiền khả thi của dự án, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thì tuyến nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài 34,2 km và ở địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 19,5 km. Tổng mức đầu tư dự án ở mức hơn 19.000 tỷ đồng, bao gồm từ nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và vốn huy động với khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Ước tính khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc sẽ có 4 làn xe, đến giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe với thời gian thu phí giai đoạn 1 là 23 năm.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 địa phương sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng phê duyệt triển khai thực hiện.
Theo Bộ GTVT, việc xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không chỉ góp phần chia sẻ áp lực giao thông cho quốc lộ 51 hiện đang quá tải, khi tuyến quốc lộ này là tuyến đường độc đạo vận chuyển giao thông đường bộ từ các tỉnh miền Đông, miền Tây và TP HCM đến TP biển Vũng Tàu.
Đồng thời, việc hình thành tuyến cao tốc Biên Bòa- Vũng Tàu còn tạo điều kiện cho vận tải đường bộ của các cảng biển và các KCN ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với các khu vực tam giác của TP HCM phát triển.