Bộ GTVT giải ngân cao hơn 16% so với bình quân chung cả nước
Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của Bộ GTVT, ghi nhân nỗ lực toàn ngành thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết trong năm 2020, Bộ GTVT được giao 39.826 tỷ đồng (gồm cả vốn kéo dài), đến hết tháng 11/2020 kết quả giải ngân ước đạt 80,6%, cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước (64,5%). Qua tổng hợp xem xét tình hình thực tế, tự nay đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu trên 90% kế hoạch cả năm.
“Đây là kết quả đáng ghi nhận, Bộ GTVT luôn giữ vị trí là một trong những bộ, ngành có kết quả giải ngân lớn nhất. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã nố lực triển khai công tác giải ngân, trong đó có một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án giải ngân vượt kế hoạch như Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban quản lý dự án Thăng Long, Sở GTVT Đồng Tháp. Đồng thời trong năm nay có một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án có nhiều nỗ lực như Ban quản lý dự án Hàng hải, Ban quản lý dự án đường sắt. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế hiện nay, ngành GTVT vẫn còn một số đơn vị giải ngân chậm chưa đáp ứng yêu cầu và còn tồn tại một số bất cập cần được chấn chỉnh để kết quả giải ngân trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn”, ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh và cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần hoàn thiện khẩn trương các thủ tục để triển khai giao vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng phải đảm nảo chất lượng dự án, không vì tiến độ giải ngân mà bỏ qua chất lượng.
Về công tác quản lý chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông chia sẻ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ,Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình các đơn vị còn tồn tại, khiếm khuyết về tiến độ, chất lượng.Trong 05 năm qua, Bộ đã phê bình 138 trường hợp (trong đó 64 nhà thầu thi công; 25 tư vấn thiết kế; 28 tư vấn giám sát và 21 các chủ đầu tư/ban QLDA, nhà đầu tư). Năm 2020 phê bình 12 trường hợp (07 chủ đầu tư/ban QLDA, 02 tư vấn giám sát, 03 nhà thầu thi công). Hàng năm, Bộ GTVT công bố bảng đánh giá và xếp hạng đối với các chủ đầu tư/ban QLDA. Kết quả đánh giá xếp hạng đã có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư/ban QLDA, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.
“Đối với các công trình giao thông sau khi hoàn thành, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Khi kiểm tra phát hiện những nội dung tồn tại, thiếu sót, Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khắc phục, sửa chữa đảm bảo theo yêu cầu trước khi bàn giao đưa vào sử dụng”, ông Lâm cho biết.
Trong 05 năm qua, Bộ đã khởi công 231 dự án và hoàn thành 252 dự án, trong đó nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư, như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Cổ Chiên; nút giao Ngã ba Huế; dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; dự án đường HCM qua Tây Nguyên; cầu Hưng Hà; cầu Thịnh Long; cảng Tân Vũ - Lạch Huyện; luồng vào sông Hậu (GĐ1); tuyến kênh Chợ Gạo (GĐ1); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; hầm Đèo Cả; Cù Mông và Hải Vân; cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long,…Trong đó, năm 2020 đã khởi công 19 dự án và hoàn thành 22 dự án.
Đối với một dự án trọng điểm, về dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của 11 dự án đã đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng theo chiều dài tuyến là 601,8/652,77km (đạt 92,3%), tuy nhiên trong phạm vi bàn giao còn một số vị trí xôi đỗ, một số vị trí vướng mắc cục bộ; một số địa phương triển khai chậm dưới mức bình quân (92%). Xây dựng khu tái định cư, và di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm: Tổng số khu tái định cư phải xây dựng là 109 khu; trong đó: 03 khu đã có sẵn; đã xây dựng xong 55 khu (đạt 53,2%). Di dời hạ tầng kỹ thuật: Di dời đường điện 125/1023 vị trí (đạt 12,2%).
Bộ GTVT luôn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là “dự án mẫu mực, chống tham nhũng, đảm bảo chất lượng, tiến độ”, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án chậm nhất đến cuối năm 2022, riêng cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến cuối năm 2023.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn dự kiến khởi công tháng 12/2020, xây dựng cơ bản hoàn thành năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023. Còn về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội đã có Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án, ngày 11/11/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư. Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam đang chỉ đạo TVTK hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công dự án theo kế hoạch.