Bộ GTVT: Nhận diện nguy cơ, phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Chiều nay (28/11), Thanh tra Bộ GTVT đã phối hợp với trường Đại học Công nghệ GTVT và trường Cán bộ quản lý GTVT tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tập huấn công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập cá nhân.
Khoảng 400 cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường tham dự trực tiếp tại trường và trực tuyến tại các điểm cầu.
Khai mạc hội nghị, PGS. TS Vũ Ngọc Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, thời gian qua nhà trường đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GTVT về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã đạt được kết quả nhất định. Trường đã thành lập được Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; rà soát các quy định, quy chế nội bộ nhằm phát hiện kịp thời bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, nhằm sửa đổi, bổ sung để phòng ngừa; tăng cường kiểm tra nội bộ, công khai, minh bạch, thực hiện quy tắc ứng xử trong cán bộ, viên chức...
"Tuy đã đạt được một số kết quả tốt đẹp nhưng công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị sau hội nghị này, các đơn vị trong nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức học tập và quán triệt trong chi bộ, đơn vị, từ đó thống nhất, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của mỗi đơn vị, của toàn trường, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của nhà trường", ông Vũ Ngọc Khiêm chỉ đạo.
Các đại biểu đã được nghe ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT triển khai các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng, Bộ GTVT về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ truyền đạt chuyên đề: Nhận diện, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực và một số tồn tại, sai phạm thường xảy ra được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ, bài học rút ra đối với các đơn vị, doanh nghiệp.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng cho biết, thời gian qua, Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT rất quan tâm, đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC).
Từ năm 2020 đến nay, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã ban hành 46 văn bản để quán triệt, triển khai, hướng dẫn thực hiện về công tác PCTN, TC trong toàn ngành. Đặc biệt, gần đây Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bộ trưởng ban hành Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng đó, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ, ngày 20/3/2023 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT; cụ thể là tăng cường các cuộc kiểm tra theo văn bản số 13377/BGTVT-Ttr ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện "3 đột phá chiến lược" tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế, cảng biển... Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đây là nội dung liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, giáo dục của nhà trường.
Trường Đại học Công nghệ GTVT có ba cơ sở đào tạo, quản lý khối lượng tài sản đất đai lớn; quy mô đào tạo ngày càng tăng với nhiều loại hình đào tạo, liên kết đào tạo, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, công tác quản lý, sử dụng tài chính; chi trả tiền lương, lương thêm giờ và công tác kiêm nhiệm, chi hỗ trợ công tác thu học phí, chi bồi dưỡng dự hội nghị, hội thảo, chi khoán sinh hoạt chuyên môn; thu hoạt động kinh doanh, dịch vụ và hoạt động khác như đào tạo lái xe, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ… Công tác quản lý, thanh quyết toán kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; công tác quản lý tài sản công; công tác tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ...
"Lĩnh vực hoạt động của trường có nhiều khâu, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, vì vậy nhà trường cần rà soát, có biện pháp phòng ngừa từ xa, từ sớm bằng các quy trình, quy định nội bộ, gắn với công tác chính trị, tư tưởng, phòng chống tiêu cực gắn với phòng chống tham nhũng", ông Lâm Văn Hoàng nói; đồng thời đề nghị trường triển khai thực hiện các văn bản của Bộ GTVT về công tác này một cách thực chất, có sản phẩm cụ thể, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời.