Bộ GTVT phản hồi kiến nghị bỏ quy định xử phạt người tham gia giao thông phải mua bảo hiểm cho xe máy

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 9521/BGTVT-PC về việc trả lời kiến nghị cử tri TP Hồ Chí Minh gửi đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến các vấn đề quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ảnh minh họa: Dân trí

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ảnh minh họa: Dân trí

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau: "Theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng.

Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy gặp tai nạn xảy ra, thì đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân và trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho người dân khi có vụ việc xảy ra.

Do vậy, kiến nghị Bộ xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt, còn khi mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lợi dụng vụ việc để trục lợi”.

Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT cho biết: Tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau: “Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc

1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai...”

Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” và tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.

Như vậy, đối với kiến nghị này cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

HP

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-gtvt-phan-hoi-kien-nghi-bo-bao-hiem-bat-buoc-voi-xe-may-350308.html