Bộ GTVT sẽ xin bố trí vốn xây dựng nhiều tuyến đường phía Nam
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình đàm phán Hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm vốn vay Trung Quốc.
Văn phòng Chính phủ vừa hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV.
Liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho biết đang lập đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đề án kết nối giao thông các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh, thành phố trong vùng, Bộ đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có dự kiến đưa một số tuyến quốc lộ được cử tri kiến nghị vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để trình Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn triển khai thực hiện.
Cụ thể, Quốc lộ 27 từ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk qua Lâm Đồng đến Phan Rang, Ninh Thuận (khoảng 103 km); Quốc lộ 62 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 1 đến cửa khẩu Bình Hiệp; tuyến N2 các đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đoạn Đức Hòa - Mỹ An và đoạn Mỹ An - Cao Lãnh để nối thông tuyến N2 từ các tỉnh Tây Nguyên đến Kiên Giang.
Bên cạnh đó cũng bố trí vốn triển khai 45 km còn lại đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; Quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tuyến Quốc lộ 61B qua địa phận tỉnh Sóc Trăng.....
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có việc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm công tác lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết nếu có nhằm đảm tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn... Trong đó sẽ quan tâm hơn nữa đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng).
“Đồng thời Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình đàm phán Hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm vốn vay của Trung Quốc để công tác lựa chọn nhà thầu bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế...”, báo cáo nêu rõ.